BSCKI.-Nguyen-Tuan-Anh - 900x840px


Tư vấn chuyên môn Bài Viết

BSCKI. NGUYỄN TUẤN ANH

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn

Lão hóa buồng trứng được nằm trong danh sách những nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở nữ giới. Vậy nguyên nhân gì gây ra tình trạng này? Và có cách nào để phòng ngừa tình trạng này không?

Lão hóa buồng trứng - 10 nguyên nhân gây bệnh
Lão hóa buồng trứng – 10 nguyên nhân gây bệnh

1. Lão hóa buồng trứng là gì?

Buồng trứng là nơi trứng được nuôi dưỡng, phát triển và sẵn sàng cho quá trình thụ tinh với tinh trùng hoặc sẽ bị đào thải qua chu kỳ kinh nguyệt

Khi buồng trứng hoạt động bình thường, sẽ sản xuất các hormone sinh dục nữ như Estrogen và Progestin, các nội tiết này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển các đặc điểm giới tính và duy trì chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Lão hóa buồng trứng là tình trạng các nang trứng trong buồng trứng không phát triển mà dần teo lại, dẫn đến giảm số lượng trứng. 

Tình trạng này làm gián đoạn quá trình rụng trứng, cản trở quá trình thụ tinh, đồng thời làm giảm việc sản sinh các hormone, gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới.

Lão hóa buồng trứng xảy ra ở phụ nữ trẻ, thường trong độ tuổi từ 20 – 40, buồng trứng bị thoái hóa không thể phục hồi. 

Nếu không được chẩn đoán kịp thời, tình trạng này có thể dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn kinh nguyệt hoặc triệu chứng của một số bệnh lý khác. (1)

Lão hoá buồng trứng là tình trạng suy giảm chất lượng của buồng trứng
Lão hoá buồng trứng là tình trạng suy giảm chất lượng của buồng trứng

2. 10 nguyên nhân gây ra tình trạng lão hóa buồng trứng

2.1 Rối loạn kinh nguyệt

Đây có thể vừa là nguyên nhân vừa là dấu hiệu của lão hóa buồng trứng. Kinh nguyệt không đều, lượng hormone trong cơ thể thay đổi, dẫn đến rối loạn nội tiết, gây ra tình trạng lão hóa buồng trứng sớm. 

2.2 Nạo phá thai

Nạo phá thai nhiều lần hoặc không an toàn gây rối loạn chức năng buồng trứng, dẫn đến giảm số lượng và chất lượng của trứng. 

Bên cạnh đó, việc nạo phá thai cũng gây nguy cơ viêm nhiễm buồng trứng, nghiêm trọng nhất là có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ buồng trứng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.

2.3 Vệ sinh vùng kín không đúng cách 

Vệ sinh không đúng cách hoặc quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, gây viêm nhiễm đường sinh sản. 

Nếu tình trạng viêm nhiễm lan rộng và không được điều trị, chức năng buồng trứng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến lão hóa buồng trứng.

2.4 Tác dụng phụ của giảm cân

Có rất nhiều phụ nữ muốn giảm cân nhanh chóng bằng cách tập luyện cường độ cao và ăn uống nghiêm ngặt. 

Khi cơ thể mất một lượng chất béo đột ngột có thể làm giảm nồng độ Estrogen, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Nếu kéo dài tình trạng này có thể làm suy giảm chức năng buồng trứng, gây lão hóa buồng trứng.

Giảm cân quá mức cũng là nguyên nhân gây lão hoá buồng trứng
Giảm cân quá mức cũng là nguyên nhân gây lão hoá buồng trứng

2.5 Lạm dụng thuốc kích trứng

Trong quá trình thụ tinh nhân tạo IUI hay thụ tinh ống nghiệm IVF, nữ giới thường được cho sử dụng thuốc kích trứng để tăng khả năng thụ thai. 

Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc kích trứng sẽ khiến nữ giới dễ mắc hội chứng quá kích buồng trứng, xoắn buồng trứng, chảy máu và tăng nguy cơ lão hóa buồng trứng. (2)

2.6 Sử dụng chất kích thích

Bia rượu và thuốc lá là nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết và gây rối loạn kinh nguyệt. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến lão hóa buồng trứng sớm. 

Nữ giới nên hạn chế sử dụng các chất kích thích này để bảo vệ sức khỏe sinh sản và duy trì một lối sống lành mạnh.

2.7 Phẫu thuật buồng trứng

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ buồng trứng sẽ làm giảm lượng Estrogen trong cơ thể và gây ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng. 

Sau phẫu thuật, các chuyên gia thường khuyến nghị người bệnh sử dụng liệu pháp thay thế hormone để ngăn ngừa nguy cơ suy giảm chức năng buồng trứng.

2.8 Mắc bệnh tự miễn

Các bệnh như đái tháo đường, bệnh Addison, bệnh tuyến giáp có thể khiến hệ thống miễn dịch tấn công các mô bình thường, bao gồm cả các nang trứng trong buồng trứng. Điều này có thể làm chức năng buồng trứng bị suy giảm.

Nữ giới mắc bệnh tuyến giáp có nguy cơ cao bị lão hoá buồng trứng sớm
Nữ giới mắc bệnh tuyến giáp có nguy cơ cao bị lão hoá buồng trứng sớm

2.9 Bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể

Hội chứng Turner xảy ra khi thiếu một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể X thứ hai, với những người mắc hội chứng Fragile thì nhiễm sắc thể X rất mỏng manh và dễ gãy. Những bất thường này có thể gây ra tình trạng lão hóa buồng trứng.

2.10 Hóa chất và xạ trị

Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh ở buồng trứng, gây lão hóa sớm. 

Ngoài ra, việc tiếp xúc với một số loại hóa chất cũng có thể làm gia tăng nguy cơ lão hóa buồng trứng ở phụ nữ. (3)

3. Dấu hiệu nhận biết lão hóa buồng trứng ở nữ giới

Lão hóa buồng trứng là hiện tượng buồng trứng ngừng hoạt động chức năng sớm, xảy ra ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Tình trạng này thường có các dấu hiệu khá giống với giai đoạn tiền mãn kinh, bao gồm:

  • Rối loạn kinh nguyệt: chu kỳ kinh trở nên thưa dần, không đều, hoặc thậm chí mất hẳn.
  • Giảm ham muốn tình dục và khô rát âm đạo.
  • Rối loạn vận mạch: cơ thể bắt đầu xuất hiện các cơn bốc hỏa, nóng bừng, hay ra mồ hôi trộm.
  • Các triệu chứng khác là rối loạn tiết niệu, loãng xương, khó tập trung và dễ bị kích động.
  • Một số trường hợp lão hoá tiến triển rất chậm và không có triệu chứng rõ rệt, chỉ được phát hiện khi phụ nữ đi khám vì khó có con.

4. Chẩn đoán lão hóa buồng trứng bằng cách nào?

Hiện nay, việc chẩn đoán lão hóa buồng trứng có thể được thực hiện thông qua các xét nghiệm sau đây:

4.1 Xét nghiệm kiểm tra nồng độ FSH

FSH là viết tắt của hormone kích thích nang trứng, được sản xuất từ thùy trước của tuyến yên trong não bộ. FSH đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển noãn bào và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng ở nữ giới.

Xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng các nang trứng trong buồng trứng và cung cấp thông tin về thời gian rụng trứng. Đặc biệt, trong giai đoạn hoàng thể, FSH kích thích sản xuất progesterone và điều chỉnh quá trình sinh sản.

Xét nghiệm FSH đánh giá tình trạng các nang trứng trong buồng trứng
Xét nghiệm FSH đánh giá tình trạng các nang trứng trong buồng trứng

4.2 Xét nghiệm Estradiol

Đây là một dạng hormone Estrogen được sản xuất bởi buồng trứng, tuyến vú và tuyến thượng thận. 

Trong chu kỳ kinh nguyệt, FSH kích thích các nang noãn phát triển, các nang noãn này sẽ tiết ra Estradiol, sau đó hormone này tác động lên vùng dưới đồi và tuyến yên, giải phóng hormone GnRHLH để thúc đẩy sự rụng trứng.

Ở người bị lão hóa buồng trứng, khả năng đáp ứng với kích thích của FSH giảm hoặc không đáp ứng, dẫn đến lượng estradiol không đủ. Nếu phụ nữ có biểu hiện lão hóa buồng trứng thường cho thấy nồng độ estradiol trong máu thấp hơn bình thường.

4.3 Xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể

Ngoài hai xét nghiệm trên, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm nhiễm sắc thể để kiểm tra các nguyên nhân tiềm ẩn khác dẫn đến lão hóa buồng trứng. 

Xét nghiệm này giúp xác định xem người bệnh có bất kỳ bất thường nào trong nhiễm sắc thể hay không.

5. Có cách nào điều trị lão hóa buồng trứng?

Một người phụ nữ bị lão hóa buồng trứng ở mức độ nhẹ, vẫn còn nang trứng dự trữ và hoạt động phát triển, quá trình rụng trứng vẫn diễn ra, thì vẫn có cơ hội mang thai tự nhiên. 

Do chức năng buồng trứng bị suy giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng, tỷ lệ có thai tự nhiên thấp, chỉ khoảng 5 – 10% người bệnh có thể mang thai mà không cần can thiệp y tế.

Vẫn chưa có phương pháp nào có thể khôi phục hoàn toàn chức năng của buồng trứng bị lão hóa. Thông thường, các phương pháp điều trị nhằm mục đích giảm các triệu chứng của bệnh và hỗ trợ điều trị hiếm muộn như:

  • Điều trị hormone thay thế để giảm các triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì nó có thể gây ra một số biến chứng. Người bệnh cần được khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản: việc can thiệp sớm bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản có thể tăng khả năng mang thai và giảm chi phí điều trị do quá trình lão hóa buồng trứng vẫn tiếp tục diễn ra. 
  • Trường hợp lão hóa buồng trứng nặng và không còn nang trứng dự trữ, cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng hiến tặng.
Sử dụng có biện pháp hỗ trợ sinh sản giúp người bị lão hoá buồng trứng tăng tỉ lệ mang thai
Sử dụng có biện pháp hỗ trợ sinh sản giúp người bị lão hoá buồng trứng tăng tỉ lệ mang thai

Chính vì thế, bác sĩ khuyên phụ nữ nên kết hôn và sinh con trước 35 tuổi. Nếu trong quá trình chung sống trong 6 tháng với người trên 35 tuổi không sử dụng biện pháp tránh thai mà chưa có thai thì cần đi khám chuyên khoa để phát hiện sớm tình trạng lão hóa buồng trứng và điều trị hỗ trợ sinh sản kịp thời. (4)

6. Phòng ngừa lão hóa buồng trứng bằng cách nào?

Phòng ngừa lão hóa buồng trứng là mối quan tâm lớn của nhiều chị em phụ nữ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể mà còn tác động trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới. 

Hiện nay, chưa có cách nào để ngăn chặn quá trình lão hóa buồng trứng hoàn toàn, vì vậy phụ nữ nên chú trọng đến sức khỏe của mình, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và lưu ý các triệu chứng cảnh báo như rối loạn kinh nguyệt. 

Một số thay đổi lối sống có thể tác động tích cực đến sức khỏe sinh sản chị em phụ nữ, bao gồm:

  • Duy trì tâm trạng lạc quan, hạn chế căng thẳng và mệt mỏi kéo dài.
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây và rau củ, hạn chế đồ ăn nhanh và thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin, canxi và các khoáng chất cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
  • Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bất thường về hệ thống sinh sản.
Bổ sung đầy đủ các loại vitamin giúp nữ giới phòng ngừa lão hoá buồng trứng
Bổ sung đầy đủ các loại vitamin giúp nữ giới phòng ngừa lão hoá buồng trứng

Vì chưa có phương pháp nào khôi phục hoàn toàn chức năng của buồng trứng bị lão hóa, việc thăm khám kịp thời sẽ giúp chị em chủ động trong các phương án điều trị hiệu quả trong tương lai.

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện sở hữu đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tu nghiệp ở nước ngoài, luôn cập nhật kỹ thuật mới, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn. 

Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu 100% từ nước ngoài, được kiểm định thường xuyên, giúp cho các kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị cho các cặp đôi.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN

  1. Aging conundrum: A perspective for ovarian aging. (2024). Retrieved 25 May 2024, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9437485
  2. F J Broekmans 1, M R Soules, B C Fauser. Ovarian aging: mechanisms and clinical consequences – PubMed. (2024). Retrieved 25 May 2024, from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19589949
  3. Recognizing the importance of ovarian aging research. (2024). Retrieved 25 May 2024, from https://www.nature.com/articles/s43587-022-00339-0
  4. EMILY MULLIN. EMILY MULLIN. (2024). Retrieved 25 May 2024, from https://www.wired.com/story/aging-menopause-longevity