Ths.BS Phan Nguyễn Hoàng Vân


Tư vấn chuyên môn Bài Viết

ThS.BS PHAN NGUYỄN HOÀNG VÂN

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm thường quy được chỉ định khi người bệnh khám sức khỏe tổng quát, khám tiền hôn nhân, khám sức khỏe định kỳ,… Bên cạnh đó, xét nghiệm máu còn đóng vai trò quan trọng trong khám vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng.

Xét nghiệm máu giúp phát hiện cơ thể mắc bệnh gì?
Xét nghiệm máu giúp phát hiện cơ thể mắc bệnh gì?

1. Xét nghiệm máu là gì?

Xét nghiệm máu là quá trình kiểm tra các mẫu máu được thu thập vào các ống chứa chất chống đông, tùy theo mục đích xét nghiệm cụ thể. Mục đích của xét nghiệm này là đo lường hàm lượng một số chất trong máu hoặc đếm các loại tế bào máu khác nhau. 

Xét nghiệm máu được tiến hành để kiểm tra sức khỏe định kỳ, hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, kiểm tra kháng thể hoặc sàng lọc sớm ung thư hoặc để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Một điều quan trọng khác là xét nghiệm máu giúp xác định nhóm máu của mỗi người, hỗ trợ trong việc hiến máu, nhận máu và các vấn đề liên quan. 

Ngoài ra, xét nghiệm này còn là công cụ hữu ích trong việc tầm soát các bệnh lý nguy hiểm ngay từ giai đoạn sớm hoặc khi chưa có triệu chứng rõ ràng. 

Từ đó, người bệnh sẽ nhận được sự tư vấn điều trị kịp thời và phù hợp, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, đồng thời bảo vệ được chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể. (1)

Xét nghiệm máu được tiến hành để kiểm tra sức khỏe định kỳ, hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh
Xét nghiệm máu được tiến hành để kiểm tra sức khỏe định kỳ, hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh

2. Phân loại xét nghiệm máu

2.1 Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC – complete blood count)

Xét nghiệm công thức máu toàn phần hay tổng phân tích tế bào máu là một trong những xét nghiệm máu phổ biến nhất, đây được xem là một phần không thể thiếu khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Xét nghiệm này cung cấp thông tin quan trọng về tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh, giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. 

Ngoài ra, nó giúp sàng lọc và phát hiện các bệnh về máu và các rối loạn ảnh hưởng đến tế bào máu như thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn đông máu, ung thư máu,… Xét nghiệm này bao gồm các chỉ số về tế bào hồng cầu (RBC), bạch cầu (WBC)tiểu cầu (PLT).

2.2 Xét nghiệm sinh hóa máu

Xét nghiệm sinh hóa máu gồm nhiều xét nghiệm khác nhau, mục đích là để đo lường các chất trong máu. 

Xét nghiệm này thường được thực hiện trên thành phần huyết tương hoặc huyết thanh. Loại xét nghiệm này còn cung cấp thông tin quan trọng để bác sĩ đánh giá chức năng của thận, gan, cơ, tim, khớp,…

Xét nghiệm này bao gồm kiểm tra đường huyết, chất điện giải, calci, lipid, acid uric và tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra, bộ xét nghiệm này còn đánh giá chức năng tim, gan và thận. (2)

Xét nghiệm sinh hóa máu gồm nhiều xét nghiệm khác nhau, mục đích là để đo lường các chất trong máu. 
Xét nghiệm sinh hóa máu mục đích là để đo lường các chất trong máu

3. Xét nghiệm máu phát hiện ra những bệnh gì?

Xét nghiệm máu được xem là một công cụ hỗ trợ các bác sĩ trong việc chẩn đoán, nhờ vào kết quả xét nghiệm mà có thể phát hiện ra một số bệnh lý sau đây:

3.1 Các bệnh về máu 

Xét nghiệm máu được xem là công cụ hữu ích để phát hiện các bệnh về máu và những rối loạn liên quan đến thành phần trong máu. 

Các bệnh về máu bao gồm các bệnh như thiếu máu, viêm, ký sinh trùng, rối loạn chức năng đông máu, ung thư máu và rối loạn miễn dịch. Dựa vào các chỉ số dưới đây, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác:

  • Hồng cầu (RBC): tế bào này chịu trách nhiệm vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi số lượng hồng cầu bất thường có thể là do thiếu máu, mất nước, xuất huyết hoặc các rối khác.
  • Bạch cầu (WBC): đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm trùng. Trường hợp bạch cầu bất thường về số lượng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, ung thư máu hoặc rối loạn miễn dịch.
  • Tiểu cầu (PLT): tế bào này thực hiện nhiệm vụ đông máu và lành vết thương. Mức tiểu cầu bất thường có thể gây rối loạn chảy máu hoặc nguy cơ tụ huyết khối.
  • Hemoglobin (Hb): loại Protein giàu sắt này giúp vận chuyển oxy trong cơ thể. Chỉ số này bất thường là do thiếu máu, bệnh hồng cầu hình liềm, Thalassemia,…
  • Hematocrit (Hct): tỷ lệ hồng cầu trong máu. Khi mức hematocrit cao nguyên nhân là do mất nước, dấu hiệu của thiếu máu hoặc các rối loạn máu khác.
  • Thể tích trung bình của hồng cầu (MCV): trường hợp chỉ số MCV bất thường có thể là dấu hiệu của các loại thiếu máu khác nhau.
Xét nghiệm máu là công cụ hữu ích trong chẩn đoán bệnh tật
Xét nghiệm máu là công cụ hữu ích trong chẩn đoán bệnh tật

3.2 Đường huyết

Xét nghiệm máu đo lượng glucose trong máu, đường huyết cao là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Để đo glucose, người bệnh thường phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm. 

3.3 Canxi máu

Canxi là một khoáng chất quan trọng của cơ thể và mức canxi trong máu quá cao hay quá thấp có thể là dấu hiệu của bệnh thận, vấn đề về xương, bệnh tuyến giáp, ung thư,…

3.4 Cân bằng điện giải

Các chất điện giải như natri, kali, bicarbonate và clorua, là các chất duy trì cân bằng chất lỏng và độ acid trong cơ thể. Mức điện giải bất thường là điềm báo cơ thể mất nước, bệnh thận, bệnh gan, suy tim, tăng huyết áp,…

3.5 Thận và chức năng thận

Xét nghiệm máu giúp đo nồng độ ure máu (BUN) và creatinin, đấy là những chất thải được thận lọc ra. Nồng độ của hai chất này bất thường có thể người đó đã mắc bệnh liên quan đến thận hoặc rối loạn chức năng thận.

3.6 Hoạt động của enzym

Enzym có trong máu là yếu tố quan trọng trong việc chẩn đoán cơn đau tim. Là vì enzym giúp kiểm soát và là chất xúc tác cho các phản ứng hóa học trong cơ thể.

3.7 Tổn thương cơ bắp và tim

Troponin trong máu là một protein liên quan đến co cơ. Khi cơ bắp hoặc tế bào tim bị tổn thương, chất troponin sẽ rò rỉ vào máu, làm tăng nồng độ của nó, là dấu hiệu của cơn đau tim.

3.8 Bệnh tim và rối loạn mỡ máu

Xét nghiệm máu giúp xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch thông qua các chỉ số sau:

Xét nghiệm máu có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh tim mạch
Xét nghiệm máu có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh tim mạch

Mức cholesterol và triglyceride bất thường có thể chỉ ra nguy cơ bệnh tim mạch. Trước khi xét nghiệm, bệnh nhân cần nhịn ăn từ 9-12 tiếng để đảm bảo độ chính xác.

3.9 Điều trị vô sinh hiếm muộn

Xét nghiệm máu giúp đánh giá dự trữ buồng trứng: các chuyên gia hỗ trợ sinh sản sẽ kiểm tra mức FSH vào ngày 2 chu kỳ kinh hoặc chỉ số AMH, kiểm tra AFC. Các xét nghiệm khác để đánh giá số lượng và chất lượng trứng ở buồng trứng. (3)

4. Quy trình xét nghiệm máu tại Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn

Tại Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn, quá trình lấy máu diễn ra rất nhanh chóng, mất khoảng 5 – 10 phút, nếu tĩnh mạch của bệnh nhân dễ nhìn thấy và tiếp cận. Mẫu máu thường được lấy từ mạch máu ở cánh tay, trong khi ở trẻ em, mẫu máu thường được lấy từ đầu ngón tay áp út.

Bước 1: Garo tay

Kỹ thuật viên quấn dây garo quanh cánh tay người bệnh để làm chậm dòng máu và làm tĩnh mạch nổi rõ hơn, giúp việc lấy máu dễ dàng hơn.

Bước 2: Khử trùng

Lau sạch vùng da nơi được sẽ được lấy máu bằng chất khử trùng.

Bước 3: Lấy máu

Gắn kim tiêm vào ống tiêm hoặc dụng cụ chứa mẫu đặc biệt và sau đó đưa vào tĩnh mạch. Khi rút mẫu máu người bệnh có thể gây cảm giác ngứa hoặc chích nhẹ nhưng không đau.

Tại Bệnh viện kết quả xét nghiệm máu sẽ được trả về sau 2 giờ
Tại Bệnh viện kết quả xét nghiệm máu sẽ được trả về sau 2 giờ

Bước 4: Rút kim

Khi hoàn thành, kim tiêm được rút ra và ấn nhẹ vùng da vừa được lấy máu bằng miếng bông trong vài phút.

Bước 5: Băng vết thương

Sử dụng băng cá nhân dán lên chỗ vừa lấy mẫu để giữ vết thương sạch sẽ.

Bước 6: Xử lý mẫu

Mẫu máu được đặt vào ống chứa có nhãn thông tin cá nhân của người bệnh, sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích bằng các hệ thống tự động hoặc thủ công tùy theo yêu cầu xét nghiệm.

5. Một số lưu khi xét nghiệm máu mà ai cũng phải biết

5.1 Nên lấy máu vào lúc nào

Thời điểm lý tưởng để lấy mẫu máu xét nghiệm là vào buổi sáng. Trước khi lấy máu, người bệnh cần nhịn ăn từ 8 đến 12 tiếng và chỉ uống nước lọc, tránh các loại đồ uống như nước ngọt, nước trái cây, sữa, và rượu.

5.2 Một số yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm máu

Kết quả xét nghiệm máu có thể bị ảnh hưởng bởi thời điểm thực hiện, chế độ ăn uống và sử dụng các chất kích thích. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn cụ thể cho từng loại xét nghiệm:

  • Xét nghiệm mỡ máu, đường huyết, và định lượng vitamin: người bệnh cần nhịn ăn từ 10 – 12 tiếng trước khi xét nghiệm để tránh ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng, đặc biệt là đường và chất béo.
  • Xét nghiệm vitamin và khoáng chất: tránh dùng các loại thuốc bổ trước khi thực hiện xét nghiệm. Đối với các thuốc tiểu đường và thuốc huyết áp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: giống như xét nghiệm máu, người bệnh nên nhịn ăn và tránh các thức ăn, đồ uống nhiều đường và chất béo trước khi xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên, vẫn có một số xét nghiệm nước tiểu không yêu cầu nhịn ăn nhưng cần uống nhiều nước.
  • Xét nghiệm định lượng vitamin: xét nghiệm cần thực hiện khi đói, do đó người bệnh nên nhịn ăn từ 8 – 12 tiếng trước khi xét nghiệm.
  • Ngoài ra vẫn có một số xét nghiệm máu khác mà người bệnh không cần nhịn ăn, chẳng hạn như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sắt và canxi.
Người bệnh nên nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm máu
Người bệnh nên nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm máu

5.3 Đối tượng nên làm xét nghiệm máu 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng mọi người ở mọi nhóm tuổi, mọi giới tính đều nên thực hiện xét nghiệm máu định kỳ hàng năm.

  • Từ 18 – 30 tuổi: xét nghiệm máu giúp tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan, các bệnh lây qua đường tình dục và kiểm tra sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân.
  • Từ 30 – 40 tuổi: giúp phát hiện sớm các bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, gout và ung thư phụ khoa ở phụ nữ.
  • Độ tuổi trung niên: giúp tầm soát các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, xương khớp, và các loại ung thư phổ biến như ung thư gan, dạ dày, phổi và tuyến tiền liệt ở nam giới.

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện sở hữu đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tu nghiệp ở nước ngoài, luôn cập nhật kỹ thuật mới, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn. 

Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu 100% từ nước ngoài, được kiểm định thường xuyên, giúp cho các kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị cho các cặp đôi.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN

🗓 Cập nhật lần cuối: 11:45 13/06/2024
  1. Blood Tests. (2024). Retrieved 21 May 2024, from https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/24508-blood-tests
  2. Blood tests. (2024). Retrieved 21 May 2024, from https://www.nhs.uk/conditions/blood-tests
  3. All About Blood Tests. (2024). Retrieved 21 May 2024, from https://www.healthline.com/health/blood-tests