Bệnh tuyến giáp ở mẹ bầu là bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Mẹ bầu là đối tượng dễ mắc bệnh tuyến giáp hơn những người bình thường. Vậy tại sao lại có tình trạng như vậy?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BSCKI. Nguyễn Tuấn Anh Bác sĩ Hỗ trợ sinh sản tại Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn.

Tại sao mẹ bầu lại dễ mắc bệnh tuyến giáp?
Tại sao mẹ bầu lại dễ mắc bệnh tuyến giáp?

1. Vai trò của tuyến giáp với thai kỳ

Tuyến giáp là tuyến nhỏ ở phía dưới cổ có hình dạng cánh bướm, chức năng tạo ra các hormone tuyến giáp. Các nội tiết này giữ nhiệm vụ chính trong việc kiểm soát tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Chính vì thế, nội tiết tố của tuyến giáp tác động hầu hết tất cả cơ quan trong cơ thể.

Trong giai đoạn thai kỳ, hormone tuyến giáp có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của hệ thần kinh của thai nhi, đặc biệt là não bộ. Vào giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào hormone tuyến giáp của người mẹ. 

Vào tuần thứ 12, tuyến giáp của bé đã có thể tự hoạt động, tuy nhiên lượng hormone tạo ra vẫn không đủ, do đó lúc này thai nhi vẫn cần nội tiết tuyến giáp của mẹ, cho đến tuần thứ 18 – 20 của thai kỳ. 

Tóm lại, từ tháng 3 đến tháng thứ 5 của thai kỳ, hormone tuyến giáp của người mẹ sẽ có vai trò rất lớn đến sự phát triển của thai nhi.

Theo thống kê, cứ mỗi 8 phụ nữ sẽ có 1 người bị mắc bệnh tuyến giáp, đặc biệt phụ nữ mang thai là những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh tuyến giáp hơn bình thường, nguyên nhân là do khi mang thai nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi.

Tuyến giáp có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của hệ thần kinh của thai nhi
Tuyến giáp có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của hệ thần kinh của thai nhi

2. Nguyên nhân khiến mẹ bầu mắc bệnh tuyến giáp

Suốt giai đoạn thai kỳ, mọi hoạt động sinh lý và chức năng của tuyến giáp có nhiều thay đổi, từ đó dẫn đến một số bệnh lý tại tuyến giáp trong thời kỳ mang thai, cụ thể đó là:

2.1 Nồng độ hormone thay đổi

Cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra 2 hormone chính khi mang thai đó là β-hCG (human chorionic gonadotropin) và Estrogen

Nồng độ hormone β-hCG tăng trong 3 tháng đầu của thai kỳ, làm hormone TSH của tuyến giáp bị giảm nhẹ, tình trạng này gọi là cường giáp cận lâm sàng. Nội tiết TSH sẽ tăng trở lại vào giai đoạn sau sinh. 

Hormone sinh dục Estrogen các tác dụng làm tăng các hormone tuyến giáp gắn với protein trong huyết thanh, tuy nhiên hormone tuyến giáp tự do như FT3, FT4 không tăng, vì thế không làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.

Nồng độ Beta hCG tăng làm cho lượng hormone tuyến giáp giảm xuống
Nồng độ Beta hCG tăng làm cho lượng hormone tuyến giáp giảm xuống

2.2 Hệ miễn dịch thay đổi

Vào giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, cơ thể người mẹ bắt đầu xuất hiện tình trạng tự miễn và tình trạng này sẽ cải thiện vào 3 tháng giữa của thai kỳ. 

Có 6 – 20% thai phụ trong cơ thể có chứa các kháng thể kháng TPO (Thyroperoxidase) và Thyroglobulin. Hệ luỵ của tình trạng này là dẫn đến bệnh lý suy giáp cận lâm sàng, viêm giáp sau sinh, trầm cảm và nghiệm trọng hơn là sảy thai.

Nồng độ của các kháng thể này sẽ giảm ở mức thấp nhất vào những tháng cuối của thai kỳ và sẽ tăng trở lại sau sinh. Tuy nhiên, những kháng thể này có thể đi qua nhau thai gây rối loạn chức năng tuyến giáp ở cả thai nhi và trẻ sơ sinh.

2.3 Kích thước tuyến giáp thay đổi

Kích thước tuyến giáp của phụ nữ mang thai có thể bị thay đổi: nếu kích thước lớn hơn khoảng 10 – 15% (bướu giáp). Tỷ lệ này thường cao hơn ở phụ nữ có đời sống bị thiếu hụt iod.

Mẹ bầu thiếu iod khiến kích thước tuyến giáp thay đổi
Mẹ bầu thiếu iod khiến kích thước tuyến giáp thay đổi

2.4 Nhu cầu iod thay đổi

Nhu cầu iod khi mang thai tăng 50%, nguyên nhân là do tốc độ chuyển hoá trong cơ thể tăng lên, độ thanh thải iod qua thận tăng, nhu cầu iod của thai nhi cũng tăng. 

Chính vì thế, tuyến giáp của người mẹ tăng hoạt động. Thể tích của tuyến giáp có thể tăng 10% ở nơi đủ iod và 20 – 40% ở nơi thiếu iod. Do đó, trong giai đoạn mang thai, nếu người mẹ cung cấp không đủ iod sẽ dẫn đến những rối loạn chức năng tuyến giáp.

3. Bệnh tuyến giáp ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi như thế nào?

Vào 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, tuyến giáp của thai nhi chưa hình thành, nên các bé phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormone tuyến giáp từ người mẹ cung cấp qua đường nhau thai. 

Giai đoạn này rất quan trọng, vì đây là thời kỳ hình thành và phát triển của các cơ quan trong cơ thể của thai nhi, do đó nếu bị thiếu nội tiết tuyến giáp trong thời gian này có thể gây ra một số biến chứng nặng nề.

Bệnh tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ có thai chủ yếu là suy giáp. Biến chứng của tình trạng này sẽ khiến người mẹ bị tăng huyết áp, sinh non, nhau bong non, nghiệm trọng hơn là sảy thai hoặc thai chết lưu. 

Đối với thai nhi, tình trạng này ảnh hưởng đến não bộ của trẻ, ảnh hưởng đến trí tuệ, phát triển trí não của trẻ sau này.

Ngoài ra, một bệnh khác thuộc bệnh tuyến giáp đó là cường giáp, bệnh lý này thường ít gặp hơn, chỉ có khoảng 1,7% mẹ bầu gặp phải tình trạng này. 

Biến chứng của tình trạng này ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé, chẳng hạn tiền sản giật, thai nhi nhẹ cân, sảy thai, sinh non,… 

Trường hợp nghiêm trọng nhất là tình trạng cường giáp cấp trong lúc chuyển dạ, tỷ lệ gây tử vong 100% cho cả mẹ và con với tỷ lệ lên.

Việc tầm soát bệnh tuyến giáp có ý nghĩa quan trọng, mục đích nhằm phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh tuyến giáp ở phụ nữ mang thai. 

Bên cạnh những việc ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tuyến giáp, giúp làm giảm tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và bé, đảm bảo cho những em bé ra đời hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và trí tuệ,… 

Khi phát hiện cơ thể có một số triệu chứng của bệnh tuyến giáp, người mẹ cần phải điều trị càng sớm để làm giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Mẹ bầu mắc bệnh tuyến giáp là nguyên nhân gây ra tiền sản giật, sảy thai và sinh non
Mẹ bầu mắc bệnh tuyến giáp là nguyên nhân gây ra tiền sản giật, sảy thai và sinh non

4. Phòng ngừa bệnh tuyến giáp cho mẹ bầu

Việc bổ sung đủ lượng iod trong thời kỳ mang thai là rất quan trọng, vì nguyên nhân dẫn đến bệnh tuyến giáp là do thiếu hoặc dư thừa iod. 

Thai phụ cần bổ sung iod nhiều hơn bình thường, khoảng 250 mcg/ngày. Có thể lấy iod từ các thực phẩm như sau sữa, hải sản, trứng, thịt và muối có thành phần là iod.

Các bệnh tuyến giáp mẹ bầu thường gặp đó là cường giáp hoặc suy giáp, hai bệnh lý này thường có triệu chứng không đặc hiệu và thường bị nhầm lẫn với một số tình trạng khác thường gặp ở giai đoạn thai kỳ.

Chính vì thế, thai phụ cần đi sàng lọc bệnh tuyến giáp trước và trong khi mang thai, đặc biệt với phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp.

Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp càng sớm càng tốt là cách giúp thai phụ an tâm có một thai kỳ khỏe mạnh, phát hiện ra những bất thường về tuyến giáp, người mẹ cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và để có phương pháp điều trị kịp thời.

Chú ý bổ sung đủ lượng iod giúp mẹ bầu phòng ngừa bệnh tuyến giáp
Chú ý bổ sung đủ lượng iod giúp mẹ bầu phòng ngừa bệnh tuyến giáp

5. Khi nào mẹ bầu cần tầm soát bệnh tuyến giáp

Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (American Thyroid Association – ATA) khuyến cáo, tất cả phụ nữ, những người đang mong muốn có thai hoặc mới mang thai nên được đánh giá lâm sàng chức năng tuyến giáp trước. 

Tuy nhiên, nếu người mẹ có một trong các yếu tố sau đây thì nên được xét nghiệm tầm soát tuyến giáp sớm, đó là:

  • Mẹ bầu có tiền sử suy giáp, cường giáp hoặc có triệu chứng loạn chức năng tuyến giáp.
  • Người đã có xét nghiệm và phát hiện trong người có mang kháng thể tuyến giáp hoặc có bướu giáp.
  • Phụ nữ mang thai đã được chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp trước đó hoặc đang điều trị các bệnh lý tuyến giáp như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu giáp nhân hay người mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp,…
  • Người đã từng xạ trị vùng đầu, cổ hoặc đã từng phẫu thuật tuyến giáp.
  • Mẹ bầu trên 30 tuổi.
  • Mẹ bầu mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc các bệnh tự miễn khác.
  • Người có tiền sử sảy thai, sinh non.
  • Đối tượng vô sinh hiếm muộn.
  • Người đã từng mang thai 1 – 2 lần trước đó.
  • Mẹ bầu có tiền sử người nhà mắc các bệnh tuyến giáp.
  • Mẹ bầu bị béo phì nặng (BMI ≥ 40 kg/m2).
  • Mẹ bầu sống ở vùng sâu vùng xa, thiếu iod trong thời gian dài.
Tầm soát bệnh tuyến giáp là bước quan trọng để có một thai kỳ an toàn
Tầm soát bệnh tuyến giáp là bước quan trọng để có một thai kỳ an toàn

6. Phòng ngừa bệnh tuyến giáp cho phụ nữ có thai

Khi mang thai, hầu hết các mẹ bầu đều là đối tượng rất dễ mắc bệnh tuyến giáp. Bệnh lý này khá nguy hiểm, nếu không được phát hiện là điều trị kịp thời thì sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe cho mẹ và bé. 

Chính vì thế, các mẹ bầu nên thực hiện tầm soát bệnh tuyến giáp để đảm bảo có được một thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài ra, người mẹ có thể thực hiện một số biện pháp phòng tránh bệnh tuyến giáp trong thời kỳ mang thai, đó là:

  • Bổ sung đủ lượng iod trong bữa ăn hàng ngày. Một số thực phẩm giàu iod như các loại cá biển, hải sản, trứng, sữa, rau có màu xanh đậm,…
  • Chú ý việc nêm nếm muối iod trong thực ăn vì chúng rất dễ bay hơi khi gặp nhiệt độ cao.
  • Trong 3 tháng đầu thai kỳ và những chị em nào muốn có thai cần được xét nghiệm sàng lọc bệnh tuyến giáp, đặc biệt là những người có nguy cơ suy giáp.
  • Điều trị bệnh tuyến giáp cho đến khi khỏi hẳn nếu muốn có thai. Trường hợp, nếu có thai ngoài ý muốn trong khoảng thời gian điều trị mà gia đình muốn giữ, các cặp đôi cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và đưa ra lời khuyên tốt nhất.
  • Sàng lọc sau sinh cho trẻ để phát hiện sớm các bệnh tuyến giáp bẩm sinh để có thể điều trị sớm cho trẻ, tránh những hậu quả ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.
Hải sản là nguồn thực phẩm dồi dào iod giúp phòng ngừa bệnh tuyến giáp ở mẹ bầu
Hải sản là nguồn thực phẩm dồi dào iod giúp phòng ngừa bệnh tuyến giáp ở mẹ bầu

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là Bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa và nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sở hữu đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn. Ngoài ra, bệnh viện còn cung cấp các dịch vụ thăm khám đánh giá sức khỏe tổng thể cho những người đã và đang có ý định mang thai.

Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu từ các nước có nền y học phát triển trên thế giới, được kiểm định thường xuyên, giúp cho kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN

Nguồn tài liệu tham khảo:

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3603018
  2. https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/ Thyroid-conditions-during-pregnancy
  3. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/staying-healthy-during-pregnancy/hypogearism-and-pregnancy