Axit folic và mối quan hệ với khả năng sinh sản
Axit folic tham gia vào nhiều quá trình sinh học cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Nó đóng một vai trò trong quá trình tổng hợp DNA, phân chia tế bào và hình thành hồng cầu và vô cùng cần thiết trong thời kỳ mang thai của phụ nữ.
1. Axit folic là gì?
Axit folic còn được gọi là folate hoặc vitamin B9, là một trong 8 loại vitamin B. Tất cả các vitamin B đều giúp cơ thể chuyển hóa carbohydrate (thức ăn mà chúng ta bổ sung vào cơ thể) thành nhiên liệu (glucose) nhằm tạo ra năng lượng để duy trì hoạt động.
Những vitamin B này, thường được gọi là vitamin B-complex, cũng giúp cơ thể sử dụng chất béo và protein. Vitamin B-complex cần thiết để cho gan da, tóc và mắt khỏe mạnh.
Axit folic rất quan trọng cho chức năng não thích hợp và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Vitamin B9 hỗ trợ sản xuất DNA và RNA – 2 vật liệu di truyền của cơ thể. Đồng thời axit folic cũng đặc biệt quan trọng khi các tế bào và mô đang phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như ở trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên và mang thai.
Axit folic cũng phối hợp chặt chẽ với vitamin B12 để giúp tạo ra các tế bào hồng cầu và giúp sắt hoạt động tốt trong cơ thể. Ngoài ra vitamin B9 phối hợp với vitamin B6, B12 và các chất dinh dưỡng khác để kiểm soát nồng độ axit amin homocysteine trong máu.
2. Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể thiếu axit folic?
Theo BSCKII. Hồ Cao Cường – Giám đốc chuyên môn tại Bệnh Viện HTSS & Nam Học Sài Gòn, thiếu hụt axit folic có thể gây ra một số tình trạng sau:
- Tăng trưởng kém
- Viêm lưỡi
- Viêm nướu
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Hụt hơi
- Bệnh tiêu chảy
- Cáu gắt
- Hay quên
- Tinh thần sa sút, chán nản
Đối với phụ nữ mang thai phải cần nhiều axit folic hơn để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ống thần kinh ở thai nhi (như hở hàm ếch, nứt đốt sống và tổn thương não). Dị tật ống thần kinh xảy ra khi ống thần kinh phát triển bất thường. Ống thần kinh là cấu trúc cuối cùng hình thành nên não và tủy sống.
3. Axit folic và mối quan hệ với khả năng sinh sản
3.1 Đối với nữ giới
Axit folic có tác động mạnh mẽ đến khả năng sinh sản của phụ nữ, cả trước và sau khi thụ thai. Đối với những phụ nữ đang khó thụ thai, vitamin B9 có thể giúp ngăn ngừa dị tật thai kỳ sớm có thể dẫn đến sảy thai.
Axit folic và lợi ích sinh sản của phụ nữ không dừng lại ở đó. Dưỡng chất này giúp chuyển hóa tế bào khắp cơ thể, bao gồm cả trong buồng trứng.
Một nghiên cứu về việc bổ sung vitamin cho những phụ nữ đang cố gắng thụ thai cho thấy: việc bổ sung axit folic ở những phụ nữ trải qua IVF đã giúp tối ưu hóa con đường homocysteine trong dịch nang, liên quan đến chất lượng phôi tốt hơn và cơ hội mang thai cao hơn, lượng folate dịch đơn nang tăng gấp 2 lần có liên quan đến khả năng mang thai cao gấp 3,3 lần.
Bên cạnh đó, vitamin B9 đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Suy cho cùng, bào thai khởi đầu là một tế bào nhỏ bé tiếp tục phân chia qua các giai đoạn phát triển.
Vì axit folic hỗ trợ quá trình phân chia tế bào nên nếu mẹ bầu bổ sung đầy đủ lượng axit folic theo khuyến cáo sẽ giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh như dị tật ống thần kinh như bệnh não vô não, tật nứt đốt sống và thoát vị não.
Những người có tiền sử gia đình bị dị tật ống thần kinh có nguy cơ truyền gen này cho con cái cao hơn. Axit folic không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ phát triển loại dị tật bẩm sinh này, nhưng nó có thể giảm nguy cơ khoảng 60% nếu phụ nữ dự định mang thai bắt đầu dùng thuốc bổ sung khoảng 2 đến 3 tháng trước khi thụ thai và trong ba tháng đầu của thai kỳ.
3.2 Đối với nam giới
Không chỉ phụ nữ mới nên tăng lượng axit folic để tăng khả năng sinh sản. Đàn ông cũng cần đủ lượng axit folic như một phần quan trọng của quá trình sinh sản.
Trung bình, cơ thể nam giới tạo ra hàng nghìn tế bào tinh trùng mỗi ngày (thực tế là khoảng 1.500 tế bào mỗi giây). Phải mất khoảng 60 ngày để hình thành tế bào tinh trùng hoàn chỉnh. Trong quá trình này, folate hỗ trợ quá trình phân chia tế bào và tổng hợp DNA.
4. 10 thực phẩm rất giàu axit folic
4.1 Đậu lăng
Đậu lăng là một phần của họ đậu và rất giàu folate. Một cốc đậu lăng nấu chín cung cấp 358 microgam (mcg) folate, 90% giá trị khuyến nghị hàng ngày cho người trưởng thành khỏe mạnh.
Ngoài ra, một cốc đậu lăng nấu chín là nguồn cung cấp chất xơ tốt và các vi chất dinh dưỡng khác như kali, magie, và sắt. Việc tiêu thụ chúng có liên quan đến nhiều tác dụng tăng cường sức khỏe khác nhau, bao gồm giảm tỷ lệ mắc các bệnh như đái tháo đường, béo phì và bệnh tim mạch.
Đậu lăng cũng là một nguồn protein thực vật tuyệt vời, cung cấp nhiều loại axit amin trong mỗi khẩu phần. Do đó, chúng thường được sử dụng làm chất thay thế thịt cho nhiều món ăn thuần chay.
4.2 Gan bò
Gan bò là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm cả folate. Ngoài ra gan bò còn rất giàu vitamin A, vitamin B12 và đồng. Tuy nhiên vì gan bò là nội tạng nên chứa hàm lượng cholesterol khá cao, do đó cần tiêu thụ ở mức vừa phải để tránh mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.
4.3 Củ cải đường
Củ cải đường là một loại rau có sắc tố cao được biết đến với thành phần dinh dưỡng phong phú. Ngoài việc mang lại màu sắc rực rỡ cho nhiều món ăn và món tráng miệng, củ cải đường còn cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như mangan, vitamin C, kali và folate.
4.4 Măng tây
Măng tây là một loại rau giàu dinh dưỡng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm cả axit folic. Một nửa cốc măng tây nấu chín chứa 134 mcg folate. Nó cũng chứa các hợp chất hoạt tính sinh học khác, chẳng hạn như vitamin C và E, fructans và flavonoid, mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe.
Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng măng tây có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, với tác dụng mạnh nhất ở măng tây xanh.
4.5 Bơ
Bơ là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tuyệt vời, trong đó có vitamin B9. Một nửa quả bơ chứa khoảng 82 mcg folate, cung cấp khoảng 21% giá trị dinh dưỡng hằng ngày.
Bơ cũng là nguồn cung cấp kali, magie và chất xơ dồi dào. Bơ chứa chất béo có lợi cho tim có liên quan đến việc cải thiện mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.
4.6 Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina và rau arugula, ít calo nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm cả axit folic. Một cốc rau bina sống cung cấp 58 mcg folate. Thêm một cốc rau bina vào bữa ăn hằng ngày có thể đáp ứng 15% giá trị folate.
Các loại rau lá xanh cũng chứa các vitamin và khoáng chất khác, chẳng hạn như vitamin A và K, có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe. Các chuyên gia cho biết tiêu thụ một khẩu phần rau xanh hàng ngày có thể giúp làm chậm sự suy giảm nhận thức liên quan đến lão hóa và giảm viêm rất hiệu quả.
4.7 Đu đủ
Đu đủ là một loại trái cây giàu folate khác và còn rất giàu kali và vitamin C. Đu đủ cũng chứa một lượng đáng kể carotenoid, có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.
Carotenoids là các sắc tố tự nhiên được tìm thấy trong thực vật và trái cây. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng mang lại lợi ích chống oxy hóa thông qua các cơ chế khác nhau. Beta carotene có trong đu đủ có liên quan đến chức năng tiền vitamin A, giúp giảm nguy cơ thiếu vitamin A.
4.8 Óc chó
Các loại hạt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và quả óc chó cũng không ngoại lệ. Quả óc chó là một nguồn dinh dưỡng dồi dào và chứa folate. Ngoài ra, axit alpha-linoleic có trong quả óc chó có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau. Quả óc chó là thực phẩm chống viêm và giảm cholesterol và thậm chí có thể có tác dụng chống ung thư.
4.9 Chuối
Chuối là nguồn cung cấp carbohydrate tuyệt vời, giúp tăng năng lượng khi tiêu thụ. Chuối cũng là nguồn cung cấp kali dồi dào, một khoáng chất cần thiết cho sức khỏe cơ bắp và tim mạch, cũng như vitamin B6, cần thiết cho chức năng não. Ngoài những lợi ích sức khỏe khác, chuối còn chứa một lượng axit folic vừa phải. Một quả chuối cỡ trung bình cung cấp khoảng 24 mcg (khoảng 6% theo khuyến nghị hằng ngày).
4.10 Bông cải xanh
Một cốc bông cải xanh sống cắt nhỏ cung cấp 57 mcg folate, tương đương 14% giá trị dinh dưỡng. Điều thú vị là, cùng một khẩu phần bông cải xanh nấu chín lại cung cấp tới 168 mcg folate, (nghĩa là gần 48%).
Có thể thấy, axit folic không chỉ giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi mà còn có tác dụng hỗ trợ sinh sản tuyệt vời. Vitamin B9 có thể được tìm thấy trong rất nhiều thực phẩm tự nhiên hoặc viên uống bổ sung. Vì vậy, hãy đáp ứng đủ lượng folate khuyến cáo để duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những dịch vụ thăm khám và xét nghiệm tìm ra nguyên nhân hiếm muộn, bệnh viện còn cung cấp các gói khám đánh giá sức khỏe tổng quát, các xét nghiệm liên quan đến sinh sản.
Hơn thế nữa, bệnh viện còn sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế đều là những người có kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn bài bản, điều này sẽ nâng cao tỷ lệ điều trị thành công hơn.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|
Nguồn tài liệu tham khảo: