Tinh hoàn ẩn nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới
Tinh hoàn ẩn không phải là một bệnh hiếm gặp, tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Nếu tình trạng này được phát hiện và chữa trị sớm giúp hạn chế ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của bé sau này.
1. Tinh hoàn ẩn là gì?
Trong quá trình phát triển của thai nhi, hai tinh hoàn nằm ở phía sau hai quả thận. Khi thai nhi đến giai đoạn 8 tháng tuổi, tinh hoàn sẽ di chuyển từ bụng xuống phía trước của bìu trước khi em bé ra đời.
Tinh hoàn ẩn xảy ra khi một hoặc cả hai tinh hoàn của trẻ không di chuyển xuống dưới bìu khi sinh ra hoặc chỉ có một phần di chuyển xuống. Thông thường thì một tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng và có khoảng 10% trẻ bị cả hai tinh hoàn.
Tinh hoàn ẩn là gì? Tìm hiểu các dấu hiệu và triệu chứng của tinh hoàn ẩn ở bé trai (Nguồn: Children’s Hospital Colorado – Có phụ đề Tiếng Việt)
Tỷ lệ mắc phải tình trạng tinh hoàn ẩn ở bé trai là khoảng 4% khi sinh, tỷ lệ này có thể cao hơn với trẻ em được sinh ra mắc phải một số trường hợp sau như nhẹ cân hoặc trẻ sinh non.
Một số trường hợp tinh hoàn có thể tự di chuyển xuống bìu khi bé khoảng 3 tháng tuổi. Nhưng nếu sau 6 tháng tuổi, mà tinh hoàn của bé không di chuyển xuống thì cần phải có sự can thiệp của các phương pháp điều trị.
Thông thường kích thước của tinh hoàn ẩn thường nhỏ hơn bình thường và mô nhu mềm. Theo một số nghiên cứu cho thấy, trẻ em mắc phải tinh hoàn ẩn thì thường có đường kính của ống sinh tính nhỏ và mức độ xơ hoá cao hơn, sau này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Trường hợp mắc phải tinh hoàn ẩn cả hai bên, nguy cơ vô sinh nam giới sẽ tăng cao. Thường sẽ không thấy có tinh trùng khi người bệnh xét nghiệm tinh dịch đồ. Ngoài ra, khi nam giới mắc phải tinh hoàn ẩn sẽ kèm theo một số dị tật bẩm sinh khác.
Trường hợp nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với các nguy cơ sức khỏe như ung thư tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn,… Tinh hoàn ẩn được chia làm hai dạng chính:
- Có thể sờ được: tinh hoàn nằm tại ống bẹn, có thể cảm nhận được tinh hoàn và giống như lò xo khi sờ.
- Không thể sờ được: tinh hoàn nằm sâu trong ổ bụng, không thể cảm nhận khi sờ.
2. Nguyên nhân gây ra tinh hoàn ẩn
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng tinh hoàn ẩn ở nam giới, đó là:
- Rối loạn trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục: sự suy giảm hoạt động của tuyến yên dẫn đến thiếu Gonadotropin, dẫn đến tình trạng tinh hoàn ẩn và dương vật nhỏ.
- Sự thiếu hụt men 17α-hydroxylase, 5α-reductase… gây ra sự sai lệch trong tổng hợp testosterone, làm cho tinh hoàn không phát triển bình thường.
- Hội chứng giảm khả năng cảm nhận của thụ thể Androgen: tình trạng này ảnh hưởng đến sự phát triển của chức năng sinh dục nam giới, bao gồm cả việc di chuyển của tinh hoàn.
- Estrogen ảnh hưởng đến di chuyển của tinh hoàn: sử dụng Diethylstilbestrol hoặc thuốc kháng Androgen trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ mắc phải tình trạng tinh hoàn ẩn.
- Sự bất thường của dây chằng tinh hoàn, bìu: điều này khiến cho tinh hoàn sẽ không di chuyển xuống bìu, có thể là do cuống mạch tinh hoàn ngắn hoặc xơ hóa vùng ống bẹn.
3. Triệu chứng đặc trưng của tinh hoàn ẩn
Dấu hiệu nhận biết của tinh hoàn ẩn được chia thành hai dạng đó là dạng sờ được và dạng không sờ được. Có khoảng 80% trường hợp tinh hoàn ẩn không thể cảm nhận được bằng cảm quang.
Thông thường, nam giới có thể phát hiện bằng cách quan sát sự không đồng đều của túi bìu. Ví dụ, một bên có kích thước bình thường nhưng bên còn lại thì nhỏ hoặc phẳng nếu chỉ một bên bị ẩn hoặc túi bìu sẽ nhỏ và phẳng hơn nếu người bệnh bị tinh hoàn ẩn hai bên.
Sau đây là một số triệu chứng thường gặp của bệnh lý này, bao gồm:
- Không thấy tinh hoàn trong túi bìu hoặc có khối u nổi lên tại ống bẹn.
- Túi bìu kém phát triển: với những trường hợp tinh hoàn ẩn nặng, túi bìu sẽ phát triển kém.
Chỉ thấy một bên tinh hoàn nguyên nhân là do:
- Tinh hoàn co rút: tinh hoàn di chuyển đến giữa bìu và ống bẹn, có thể dễ dàng đưa trở lại vị trí bình thường khi được kiểm tra. Đây không phải là điều bất thường và có thể do phản xạ cơ bìu.
- Tinh hoàn di chuyển lên hoặc bị mắc kẹt: tinh hoàn quay trở lại bẹn và không thể đưa trở lại vị trí bình thường bằng tay.
4. Ai có nguy cơ mắc tinh hoàn ẩn?
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tinh hoàn ẩn ở bé trai, đó là:
- Trẻ sinh ra có cân nặng quá thấp (dưới 0,9kg), đây là đối tượng có nguy cơ mắc rất cao.
- Tình trạng này xảy ra ở trẻ sinh đủ tháng khoảng 3%, nhưng có tận 30% đối với trẻ sinh non.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh này hoặc một số vấn đề về phát triển hệ sinh dục khác.
- Thai nhi mắc một số bất thường như hội chứng Down hoặc khiếm khuyết thành bụng.
- Thai phụ có thói quen sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc sống trong môi trường bị ô nhiễm, đái tháo đường thai kỳ,… Đây đều là nguyên nhân gây ra nguy cơ tinh hoàn ẩn có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh.
5. Tinh hoàn ẩn có gây nguy hiểm không?
Bình thường, nhiệt độ ở bìu thấp hơn so với nhiệt độ cơ thể. Trường hợp tinh hoàn ẩn tại vùng bụng, tinh hoàn phải chịu nhiệt độ cao, làm cho sự phát triển của tinh hoàn gặp khó khăn và làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
Một số trường hợp bé trai mắc bệnh tinh hoàn ẩn một bên nhưng số lượng tinh trùng có thể bình thường. Tuy nhiên, nếu ẩn cả hai bên tại ống bẹn thì nguy cơ vô sinh rất cao. Nếu không phẫu thuật sau 5 tuổi, tỷ lệ vô sinh có thể lên đến 75%.
Ngoài ra, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tinh hoàn ẩn sẽ gây ra một số biến chứng như:
- Xoắn tinh hoàn: do vị trí không cố định có thể dẫn đến tinh hoàn có nguy cơ bị xoắn vì. Triệu chứng gồm sưng đau vùng bẹn, thay đổi màu sắc da bìu và nghiêm trọng hơn là có nguy cơ hoại tử cao nếu không được phẫu thuật kịp thời.
- U ác tính: tinh hoàn ẩn có thể phát triển thành u ác tính nếu bệnh bị phát hiện muộn.
- Chấn thương tinh hoàn: vì không nằm trong da bìu, tinh hoàn dễ bị tổn thương do áp lực từ xương mu.
- Thoát vị bẹn: tinh hoàn ở bẹn có thể tạo ra khe hở giữa vùng bụng và ống bẹn, gây thoát vị ruột.
6. Phương pháp chẩn đoán tinh hoàn ẩn
- Siêu âm bụng hoặc nội soi ổ bụng là các phương pháp kiểm tra từ thấp đến cao nhằm xác định tinh hoàn ẩn nằm ở vị trí nào. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp các bác sĩ phát hiện các vấn đề khác của tinh hoàn như vôi hóa nhu mô tinh hoàn hay u tinh hoàn.
- Xét nghiệm nhiễm sắc thể được thực hiện tùy theo tình trạng cụ thể, nhằm phát hiện các trường hợp giới tính không rõ ràng.
- Các xét nghiệm chỉ định khối u như αFP, β-HCG, LDH cần được thực hiện để phát hiện sự xuất hiện của u ác tính.
7. Có cách nào điều trị tinh hoàn ẩn?
Điều trị bằng thuốc là phương pháp đầu tiên được áp dụng để cân bằng nội tiết tố, giúp tinh hoàn nhanh chóng di chuyển xuống bìu.
Bên cạnh đó, phương pháp phẫu thuật cũng là một cách điều trị khả thi cho bệnh tinh hoàn ẩn. Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả và áp dụng các nguyên tắc sau:
- Chuyên gia sẽ đưa tinh hoàn ra ngoài lớp phúc mạc.
- Phẫu thuật, bóc tách và kéo dài cuống tinh hoàn để chuyển tinh hoàn vào bìu.
- Phẫu thuật điều trị bệnh tinh hoàn ẩn cần được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm.
- Thời điểm phẫu thuật thích hợp nhất là khi trẻ từ 1 đến 2 tuổi.
- Với nam giới trưởng thành, nếu tinh hoàn chưa bị ung thư hóa, việc phẫu thuật hạ tinh hoàn cần được tiến hành kết hợp với điều trị nội khoa. Trong trường hợp đã bị ung thư hóa, cần phải thực hiện cắt bỏ tinh hoàn và nạo vét hạch kết hợp với điều trị ung thư.
8. Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật tinh hoàn ẩn như thế nào?
8.1 Giảm đau
Sau khi phẫu thuật tinh hoàn ẩn, thuốc gây mê dần hết tác dụng và cơn đau sẽ trở lại sau khoảng 24 giờ. Trong thời điểm này, bé cần uống thuốc theo toa của bác sĩ và sử dụng thuốc giảm đau trong vài ngày.
8.2 Vệ sinh cá nhân
Không nên cho bé tắm ít nhất 2 ngày đầu sau phẫu thuật. Thay vào đó, dùng khăn thấm nước và lau nhẹ nhàng, cẩn thận. Đảm bảo vùng vết mổ khô ráo, tránh ướt để tránh nhiễm trùng.
8.3 Chăm sóc vết mổ
Phủ vết mổ bằng băng gạc y tế mềm, kháng khuẩn và ít gây kích ứng cho da nhạy cảm của trẻ. Rửa tay sạch sẽ và thường xuyên thay băng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Quan sát màu sắc và mùi của vết mổ, nếu có dấu hiệu bất thường như rỉ dịch, chảy máu, hoặc vết thương không lành, liên hệ ngay với nhân viên y tế để được xử lý kịp thời.
8.4 Hạn chế vận động
Trẻ em cần được nghỉ ngơi và tránh các hoạt động như cưỡi ngựa, chơi đồ chơi ngồi và đi xe đạp. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ trở lại các hoạt động bình thường và thời điểm phù hợp để trẻ đi học lại.
8.5 Mặc quần áo rộng rãi
Tránh cho bé mặc quần áo quá chật, khó chịu vùng đáy quần và có thể sử dụng tã nếu cần thiết, nhưng phải đảm bảo cho trẻ được thoáng mát.
8.6 Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung đủ nước cho bé, không hạn chế ăn uống, đảm bảo cung cấp đủ vitamin, dưỡng chất như đạm (hay protein) và kẽm để hỗ trợ quá trình phục hồi và lành vết mổ nhanh chóng.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là Bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa và nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sở hữu đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn. Ngoài ra, bệnh viện còn cung cấp các dịch vụ thăm khám đánh giá sức khỏe tổng thể cho những người đã và đang có ý định mang thai.
Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu từ các nước có nền y học phát triển trên thế giới, được kiểm định thường xuyên, giúp cho kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|