Viêm nội mạc tử cung nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới
Viêm nội mạc tử cung là bệnh lý không còn quá xa lạ với nữ giới, tình trạng này thường gặp ở những phụ nữ sau sinh. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị có thể khiến người nữ bị vô sinh và mất cơ hội làm mẹ.
1. Viêm nội mạc tử cung là gì?
Có một lớp niêm mạc mềm và xốp bên trong tử cung gọi là nội mạc tử cung, đây là nơi tiếp nhận và nuôi dưỡng trứng thụ tinh phát triển thành thai nhi. Nếu trứng không được thụ tinh, các mô nội mạc tử cung sẽ bị loại bỏ và đẩy ra ngoài, tạo nên chu kỳ kinh nguyệt.
Viêm nội mạc tử cung là tình trạng buồng tử cung bị viêm nhiễm, thường do thủ thuật không đảm bảo vô trùng như nạo hút thai, đặt hoặc lấy vòng tránh thai. Tình trạng này cũng có thể xảy ra sau khi sinh hoặc sau mổ lấy thai nếu còn sót nhau,…
Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng cách, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, tắc vòi trứng, và hậu quả cuối cùng là vô sinh ở nữ giới. (1)
Viêm nội mạc tử cung được chia thành những nhóm như sau:
- Viêm sau sinh: đây là tình trạng nhiễm trùng phổ biến nhất sau khi sinh.
- Viêm cấp tính không liên quan đến thai kỳ: có thể xuất hiện sau khi sinh, sảy thai hoặc sau các phẫu thuật cổ tử cung hay tử cung.
- Viêm mãn tính (CE): là tình trạng viêm nhẹ, kéo dài. Tình trạng này phổ biến hơn sau khi nữ giới mãn kinh hoặc khi nhiễm lao sinh dục.
2. Viêm nội mạc tử cung nguyên nhân do đâu?
2.1 Viêm Nội Mạc Tử Cung Sau Sinh
Trong quá trình sinh nở, khi cổ tử cung giãn nở và màng bào thai vỡ, vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào khoang tử cung. Nguy cơ này tăng cao khi có sự can thiệp bằng dụng cụ hoặc khi đưa vật lạ vào tử cung.
Vi khuẩn có thể tấn công vào mô tử cung bị tổn thương, chảy máu hoặc hoại tử, đặc biệt sau sinh mổ. Các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp bao gồm:
- Cầu khuẩn gram dương: Chủ yếu là Streptococcus nhóm B và Staphylococcus.
- Trực khuẩn gram âm: E. coli, Klebsiella, Proteus.
- Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides, Peptococcus.
2.2 Viêm nội mạc tử cung cấp
- Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) như Chlamydia và bệnh lậu.
- Viêm âm đạo do Gardnerella vagis.
- Các thủ thuật vùng chậu qua cổ tử cung như sinh thiết nội mạc tử cung, nội soi tử cung và cấy vòng tránh thai.
2.3 Viêm nội mạc tử cung mãn tính
Nguyên nhân thường là do nhiễm trùng đa vi khuẩn, bao gồm Streptococcus, Enterococcus, E. coli, Staphylococcus, Mycoplasma, Pseudomonas và nấm men như Candida,… Ngoài ra, lao sinh dục có thể gây viêm nội mạc tử cung dạng u hạt mãn tính.
3. Viêm nội mạc tử cung có triệu chứng gì đặc biệt
Triệu chứng phổ biến của bệnh viêm nội mạc tử cung bao gồm:
- Sốt và cảm giác mệt mỏi.
- Đau vùng bụng dưới hoặc vùng chậu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Xuất hiện chảy máu hoặc dịch tiết bất thường từ âm đạo.
- Đau và căng chướng bụng.
- Khó khăn hoặc đau đớn khi đi đại tiện.
- Viêm nội mạc tử cung mãn tính thường ít khi có triệu chứng rõ ràng hoặc có các biểu hiện không đặc hiệu như khó chịu ở vùng chậu, chảy máu âm đạo và huyết trắng.
4. Viêm nội mạc tử cung gây ra những biến chứng gì?
Nếu bệnh viêm nội mạc tử cung không được điều trị hiệu quả, nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ quan sinh sản, đe dọa sức khỏe sinh sản và khả năng làm mẹ của phụ nữ. (2)
Các biến chứng có thể bao gồm:
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Dính buồng tử cung.
- Viêm phần phụ, dẫn đến tắc vòi trứng.
- Viêm nhiễm phúc mạc vùng chậu.
- Sốc do nhiễm trùng: khi nhiễm trùng máu nghiêm trọng làm huyết áp giảm mạnh, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời tại cơ sở y tế chuyên nghiệp.
- Vô sinh: do tinh trùng không thể gặp trứng để thụ tinh, hoặc trứng đã thụ tinh không thể bám vào nội mạc tử cung để phát triển. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm có thể làm tử cung không còn đảm bảo được chức năng nuôi dưỡng phôi thai.
5. Đối tượng dễ mắc viêm nội mạc tử cung
Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể bị viêm nội mạc tử cung, nhưng một số nhóm có nguy cơ cao hơn. Đây là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất sau sinh, đặc biệt khi sinh mổ, do nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với sinh thường qua đường âm đạo.
Ngoài ra, viêm nội mạc tử cung cũng thường xảy ra ở những người mắc bệnh viêm vùng chậu (PID). Viêm nội mạc tử cung cấp tính chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trẻ và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 – 29. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nội mạc tử cung, đó là:
- Sử dụng các biện pháp tránh thai không có rào cản (như thuốc tránh thai, vòng tránh thai).
- Nhiều bạn tình, có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Sinh mổ: được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất.
- Nhiễm trùng và sự xâm nhập của vi khuẩn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở: bao gồm nhiễm trùng ối, dịch ối có phân su, viêm âm đạo do vi khuẩn, liên cầu nhóm B (GBS) và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Vỡ ối hoặc chuyển dạ kéo dài.
- Can thiệp vào tử cung: như khám cổ tử cung nhiều lần, sử dụng thiết bị theo dõi xâm lấn mẹ/thai nhi và lấy nhau bằng tay.
- Nhiễm trùng âm đạo không được phát hiện và điều trị.
- Người mẹ bị nhiễm HIV, đái tháo đường và béo phì.
6. Chẩn đoán viêm nội mạc tử cung bằng cách nào?
Chẩn đoán viêm nội mạc tử cung dựa vào việc thăm khám lâm sàng, tiền sử bệnh, tiền căn và khám vùng chậu cùng các yếu tố nguy cơ liên quan. Ngoài ra, một số xét nghiệm cận lâm sàng cũng được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán:
- Soi dịch âm đạo: Để phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn.
- Cấy dịch cổ tử cung: Lấy mẫu từ cổ tử cung để kiểm tra các vi khuẩn gây nhiễm trùng như Chlamydia và Gonococcus (vi khuẩn gây bệnh lậu).
- Sinh thiết nội mạc tử cung: Lấy mẫu mô nhỏ từ nội mạc tử cung để kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Nội soi tử cung: Sử dụng ống soi tử cung để quan sát bên trong tử cung.
- Siêu âm tử cung qua ngả âm đạo: Kết quả siêu âm có thể cho thấy nội mạc tử cung dày lên, không đồng nhất, sự tích tụ dịch và các ổ khí trong tử cung.
- Xét nghiệm máu: Để đo số lượng bạch cầu (WBC) và tốc độ lắng máu (ESR). Trong trường hợp viêm nội mạc tử cung, cả hai chỉ số này thường tăng cao.
7. Điều trị viêm nội mạc tử cung bằng cách nào?
Phác đồ điều trị viêm nội mạc tử cung được xây dựng dựa trên mức độ và triệu chứng cụ thể của từng người bệnh, với lựa chọn điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa. (3)
7.1 Nguyên Tắc Điều Trị
Mục tiêu chính của điều trị là giảm các triệu chứng đau, viêm nhiễm, rối loạn kinh nguyệt và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm lan rộng.
Theo các chuyên gia: “Viêm nội mạc tử cung là bệnh lành tính và có thể điều trị dứt điểm bằng kháng sinh. Một số trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mới cần can thiệp điều trị ngoại khoa.”
7.2 Điều Trị Nội Khoa
Phác đồ nội khoa chủ yếu sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc điều chỉnh nội tiết tố.
- Kháng sinh đường uống: Thường dùng Clindamycin và Gentamicin, tiêm tĩnh mạch trong vòng 2 tuần. Viêm mạn tính có thể được điều trị bằng Doxycyclin.
- Kháng sinh cụ thể theo tác nhân gây bệnh:
- Nhiễm lậu: Tiêm Ceftriaxone 250mg, một mũi duy nhất.
- Nhiễm Chlamydia: Dùng Azithromycin 1g, uống một liều duy nhất.
- Nhiễm herpes sinh dục: Dùng Acyclovir, uống trong 5 ngày.
Một số trường hợp cần sử dụng thuốc đặt âm đạo có tính kháng sinh như Colposeptine để điều trị viêm nhiễm phụ khoa, hoặc Ginestra để bổ sung lợi khuẩn cho môi trường tử cung.
Thông thường, điều trị bằng kháng sinh kéo dài khoảng 2-3 tuần. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.
7.3 Điều Trị Ngoại Khoa
Trong trường hợp viêm nhiễm nghiêm trọng, diện tích viêm lan rộng gây nhiễm trùng huyết hoặc có nguy cơ tiến triển thành ung thư niêm mạc tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa bằng phương pháp nạo buồng tử cung.
Phẫu thuật viên sẽ sử dụng dụng cụ để loại bỏ lớp niêm mạc bị viêm và tái tạo lại niêm mạc mới. Tuy nhiên, thủ thuật này có thể gây biến chứng như xuất huyết và vô sinh, do đó không được khuyến khích cho phụ nữ chưa có đủ số con mong muốn.
8. Có cách nào phòng ngừa viêm nội mạc tử cung
8.1 Chế Độ Sinh Hoạt
Duy trì những thói quen sinh hoạt tốt giúp ngăn ngừa viêm nội mạc tử cung, bao gồm:
- Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả việc điều trị cho bạn tình.
- Sử dụng những biện pháp tránh thai an toàn.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tránh thụt rửa sâu, và rửa sạch trước và sau khi quan hệ.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt, khoảng 4 – 6 giờ/lần.
- Chọn đồ lót thoáng khí, thấm hút mồ hôi, vừa kích cỡ, giặt riêng và phơi khô hoàn toàn.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc khi có triệu chứng bất thường.
8.2 Chế Độ Dinh Dưỡng
Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm:
- Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin C như đu đủ, táo, ổi, cam, bông cải xanh, ớt chuông, và kiwi.
- Ăn thực phẩm chứa probiotic như sữa chua và các sản phẩm từ đậu nành.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá và rượu bia.
- Hạn chế đồ ăn cay nóng, đồ ngọt, nhiều dầu mỡ.
- Một số cách phòng ngừa khách.
Để ngăn ngừa viêm nội mạc tử cung, đặc biệt từ các bệnh lây truyền qua đường tình dục:
- Sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Khuyến khích bạn tình kiểm tra và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Sử dụng kháng sinh dự phòng trước khi thực hiện các thủ thuật như sinh mổ để ngăn ngừa viêm nội mạc tử cung.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh viện sở hữu đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tu nghiệp ở nước ngoài, luôn cập nhật kỹ thuật mới, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn.
Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu 100% từ nước ngoài, được kiểm định thường xuyên, giúp cho các kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị cho các cặp đôi.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|