Nhiễm trùng hậu sản là một trong những tai biến sản khoa khiến mẹ bầu tử vong chiếm tỷ lệ cao nhất. Tình trạng này đều có thể xảy ra ở mọi phụ nữ đang trên hành trình vượt cạn. Vậy dấu hiệu nhận biết người mẹ đang bị nhiễm trùng hậu sản là gì? Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?

Nhiễm trùng hậu sản - Biến chứng & Cách điều trị
Nhiễm trùng hậu sản – Biến chứng & Cách điều trị

1. Nhiễm trùng hậu sản là gì?

Nhiễm trùng hậu sản hay còn được biết là nhiễm trùng sau khi sinh, tình trạng này xảy ra ở sản phụ sau khi sinh, bắt đầu xuất phát ở đường sinh dục. Thời gian phát bệnh được tính từ lúc sinh con đến 42 ngày sau sinh.

Rất khó nhận biết được bệnh nhiễm trùng hậu sản, vì hiện nay có nhiều loại nhiễm trùng hậu sản với mức độ nghiêm trọng khác nhau. 

Nguyên nhân là do vi khuẩn có thể tồn tại trong bộ phận sinh dục trong thời gian dài, chúng thường di chuyển ngược dòng từ âm đạo đến tử cung theo sản dịch, gây ra nhiễm trùng. Sản dịch thường chứa các yếu tố vi khuẩn dễ gây nhiễm. 

Nếu bệnh không được xử lý kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể trở nên nặng hơn và thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh. (1)

Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng sản phụ bị nhiễm trùng sau sinh qua đường sinh dục
Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng sản phụ bị nhiễm trùng sau sinh qua đường sinh dục

2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng hậu sản là gì?

Theo tài liệu y khoa, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng hậu sản ở người mẹ. Dưới đây là một số yếu tố dẫn đến tình trạng này, đó là:

  • Nhiễm trùng hậu sản sau sinh con với những người sinh thường và sinh mổ.
  • Sản phụ tự sinh tại nhà, không được chăm sóc và mổ lấy thai không hồi phục là những lý do phổ biến gây nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng trong quá trình cắt khâu tầng sinh môn, do người thực hiện không đúng kỹ thuật, khâu sót mũi, hoặc vị trí khâu tử cung sau khi mổ xuất hiện các nốt đỏ, rịn máu ở mô tử cung và mô bị viêm nhiễm.
  • Viêm niêm mạc tử cung do sót nhau thai trong quá trình sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Thai phụ trải qua thời gian chuyển dạ kéo dài dẫn đến vỡ ối non hoặc ối vỡ sớm.
  • Người bệnh có tiền sử viêm nhiễm phụ khoa hoặc đã từng trải qua phẫu thuật phụ khoa.
  • Vết mổ bị nhiễm trùng do chăm sóc sau sinh không đạt chuẩn.
  • Mẹ bầu bị nhiễm trùng ối, nước ối có mùi và màu sắc bất thường.
  • Quá trình mổ lấy thai không đảm bảo vô khuẩn.
  • Người mẹ bị sót nhau thai, bánh nhau bám vào tử cung cũng gây nhiễm khuẩn hậu sản sau sinh mổ.
Nữ giới sinh thường hoặc sinh mổ đều có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản
Nữ giới sinh thường hoặc sinh mổ đều có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản

3. Những đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản

Vài ngày đầu sau sinh, âm đạo của sản phụ vẫn còn tiết dịch. Việc theo dõi tại Bệnh viện chỉ trong thời gian ngắn nên có thể không hiện được các dấu hiệu nhiễm trùng. 

Dựa theo kết quả thống kê, có đến 94% trường hợp nhiễm trùng hậu sản được chẩn đoán sau khi sản phụ đã xuất viện và xảy ra nhiều hơn ở những người sống trong điều kiện vệ sinh và dịch vụ y tế kém phát triển.

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản ở sản phụ, bao gồm:

  • Trong quá trình mang thai người mẹ thiếu dinh dưỡng.
  • Thiếu máu thai kỳ.
  • Nhiễm độc thai nghén.
  • Người mẹ bị béo phì, đái tháo đường thai kỳ.
  • Nhiễm khuẩn âm đạo hoặc nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
  • Trong quá trình chuyển dạ thai phụ bị khám âm đạo nhiều lần.
  • Theo dõi thai nhi bằng phương pháp xâm nhập tử cung.
  • Mẹ bầu gặp phải tình trạng chuyển dạ kéo dài.
  • Ối đã vỡ nhưng trì hoãn việc sinh con.
  • Trong âm đạo có sự xuất hiện của vi khuẩn liên cầu nhóm B.
  • Sau sinh còn sót lại một phần nhau thai trong tử cung.
  • Thai phụ bị băng huyết sau sinh.
  • Sản phụ trẻ tuổi.
Dinh dưỡng kém trong giai đoạn mang thai cũng khiến người mẹ dễ bị nhiễm trùng hậu sản
Dinh dưỡng kém trong giai đoạn mang thai cũng khiến người mẹ dễ bị nhiễm trùng hậu sản

4. Dấu hiệu nhận biết thai phụ bị nhiễm trùng hậu sản

Thông thường các triệu chứng nhiễm trùng hậu sản thường khá giống nhau, dưới đây là những dấu hiệu đặc trưng dễ dàng nhận biết nếu người mẹ mắc phải tình trạng này: (2)

4.1 Sốt 

Đây được xem là dấu hiệu phổ biến và dễ dàng nhận biết nhất trong trường hợp thai phụ mắc phải nhiễm trùng hậu sản. Tuỳ vào loại nhiễm khuẩn mà mức độ sốt cũng khác nhau. 

Chẳng hạn, nhiễm khuẩn huyết và viêm toàn bộ tử cung thường sốt cao, trong khi đó thì viêm âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn thì chỉ sốt nhẹ. 

Những cơn sốt cũng xuất hiện vào các thời gian khác nhau, như viêm âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn thường bị từ 3 – 5 ngày sau sinh, còn nhiễm khuẩn huyết có thể xuất hiện muộn hơn, sau sinh 10 – 12 ngày.

Sốt là dấu hiệu dễ dàng nhận biết nhất trường hợp người mẹ bị nhiễm trùng hậu sản
Sốt là dấu hiệu dễ dàng nhận biết nhất trường hợp người mẹ bị nhiễm trùng hậu sản

4.2 Nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục

Bộ phận trong hệ sinh dục của phụ nữ (âm đạo, âm hộ, tầng sinh môn) có thể sưng to, phù nề, mưng mủ và có thể tiết dịch có mùi hôi.

4.3 Nhiễm khuẩn tử cung

Tình trạng này gây đau nhói khi chạm vào tử cung, tăng tiết dịch có mùi hôi hoặc xung huyết. Chạm vào phần tiểu khung thấy một khối mềm, không rõ bờ, đau nhói. 

Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến viêm phúc mạc, cần phải cấp cứu ngay lập tức. 

4.4 Viêm phúc mạc tiểu khung

Khu vực này xuất hiện túi dịch có lẫn máu và mủ, niêm mạc tử cung bị viêm và phát triển các giả mạc. Biểu hiện thường là sốt cao, rét run, mệt mỏi, lưỡi bẩn.

4.5 Viêm phúc mạc toàn bộ

Đây là tình trạng gây tăng nguy cơ nhiễm trùng toàn cơ thể của người mẹ. Biểu hiện là đại tiện phân lỏng, mùi hôi, khi chụp X-quang ổ bụng có thể thấy liệt ruột cơ năng, quai ruột giãn.

4.6 Viêm tắc tĩnh mạch

Gây phù to, đau và nóng ở chân. Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng do cục máu đông di chuyển đến các mạch máu hoặc não, gây tắc nghẽn.

4.7 Nhiễm khuẩn huyết

Đây là dạng nhiễm trùng hậu sản nặng nhất, biểu hiện thường gặp nhất là người mẹ sốt cao liên tục, rét run, môi khô, khó thở, da vàng, nước tiểu sẫm màu.

5. Nhiễm trùng hậu sản gây ra những biến chứng gì?

Tùy vào loại hình và nguyên nhân của nhiễm trùng hậu sản, sản phụ có thể gặp phải những hậu quả khác nhau, điển hình như: (3)

5.1 Tầng sinh môn, âm hộ hoặc âm đạo bị nhiễm khuẩn

Trường hợp các dụng cụ thực hiện khâu tầng sinh môn không được vô trùng, trong âm đạo bị sót gạc, hoặc tay nghề bác sĩ không giỏi. 

Tình trạng là nguyên nhân gây sưng, nóng, đỏ, đau đường sinh dục, có mưng mủ và sản dịch không có mùi hôi. Lúc này, người bệnh cần được chăm sóc tại chỗ, rửa sạch bằng thuốc sát khuẩn. Cần cắt chỉ và sử dụng gạc vô khuẩn nếu có hiện tượng mưng mủ.

Âm đạo, cổ tử cung bị viêm là biến chứng của tình trạng nhiễm trùng hậu sản
Âm đạo, cổ tử cung bị viêm là biến chứng của tình trạng nhiễm trùng hậu sản

5.2 Viêm lớp niêm mạc tử cung

Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do sót màng, sót nhau thai, nhiễm trùng ối hoặc kiểm soát tử cung không đúng cách. 

Dẫn đến các biến chứng như trong ba ngày đầu sau sinh sản phụ có thể bị sốt 38°C, người mệt mỏi, sản dịch tiết ra nhiều, có mùi hôi, có thể lẫn máu và mủ. Cổ tử cung bị hé mở, đau khi dùng tay ấn vào, đàn hồi giảm. 

Nếu tình trạng này không điều trị, viêm nhiễm sẽ lan tới lớp cơ tử cung, tạo ra các ổ áp xe nhỏ, dẫn đến viêm phúc mạc hoặc nhiễm khuẩn huyết.

5.3 Tử cung và các vùng quanh tử cung bị viêm

Sau sinh khoảng 10 ngày, sản phụ có thể sốt và xuất hiện các triệu chứng như đau khi bác sĩ nắn tiểu khung, sản dịch tiết ra nhiều, có mùi hôi, tính đàn hồi của tử cung giảm. Tuỳ vào mức độ viêm, bệnh có thể được kiểm soát hoặc là nguyên nhân gây viêm phúc mạc tiểu khung. 

Việc lúc này cần làm cho sản phụ là khuyên người bệnh nghỉ ngơi, chườm lạnh, dùng kháng sinh. Nếu có sự xuất hiện áp xe, cần phải chọc hút và dẫn lưu qua túi cùng âm đạo. Có thể phải cắt bỏ tử cung và dùng kháng sinh liều cao nếu những phương pháp kia không đáp ứng.

Tử cung bị viêm do nhiễm trùng hậu sản là nguyên nhân gây viêm phúc mạc
Tử cung bị viêm do nhiễm trùng hậu sản là nguyên nhân gây viêm phúc mạc

5.4 Toàn bộ phúc mạc bị viêm

Viêm tử cung toàn bộ hoặc viêm niêm mạc tử cung không được điều trị tốt, hoặc do nhiễm khuẩn sau mổ lấy thai không vô khuẩn đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc toàn bộ. 

Dấu hiệu phổ biến nhận biết tình trạng này là lưỡi bẩn, môi khô, mắt trũng, phân lỏng có mùi hôi và phản ứng của thành bụng mơ hồ và cần phân biệt với bệnh liệt ruột cơ năng. Chuyên gia sẽ cho người bệnh điều trị bằng kháng sinh, nghiêm trọng hơn là cắt bỏ một phần tử cung.

5.5 Viêm tắc tĩnh mạch

Tình trạng này thường gặp ở những người sinh non, chuyển dạ trong thời gian dài, gây cản trở hệ tĩnh mạch, khiến tăng sinh sợi huyết. 

Triệu chứng thường xuất hiện muộn, từ 12 – 15 ngày sau sinh, gồm sốt nhẹ, rét run, mạch đập nhanh, khiến chân phù, đau, tái nhợt, không nhấc được gót chân. Nếu không chữa trị sớm, dẫn đến viêm tắc động mạch phổi – thận và nặng nhất là gây tử vong.

5.6 Nhiễm khuẩn huyết

Đây là biến chứng nặng nhất của nhiễm trùng hậu sản. Dấu hiệu nhận biết là sốt cao trong nhiều ngày, mệt mỏi, nhiễm độc, môi khô, khó thở, nước tiểu sẫm màu và vàng da. 

Nhiễm khuẩn huyết là nguyên nhân làm tăng nguy cơ người bệnh bị suy thận cơ năng, viêm thận, áp xe phổi, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương.

6. Có cách nào điều trị nhiễm trùng hậu sản

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dựa vào tình hình thái nhiễm trùng hậu sản mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. (4)

  • Trường hợp người mẹ bị nhiễm khuẩn nhẹ ở bộ phận sinh dục ngoài, có thể sử dụng kháng sinh toàn thân kết hợp với vệ sinh, sát trùng tại chỗ để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
  • Trường hợp sản phụ bị viêm niêm mạc tử cung hoặc viêm tử cung toàn bộ, sẽ được chuyên gia chỉ định kháng sinh đặt trong âm đạo hoặc kháng sinh toàn thân với liều lượng mạnh.
Kháng sinh là bước đầu trong điều trị nhiễm trùng hậu sản
Kháng sinh là bước đầu trong điều trị nhiễm trùng hậu sản
  • Với những sản phụ bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm phúc mạc ổ bụng, ngoài việc dùng cho người bệnh sử dụng kháng sinh, cần tiến hành phẫu thuật để làm sạch ổ bụng, có thể bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung nếu tình trạng nhiễm trùng đã ở mức độ nghiêm trọng.
  • Sản phụ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, ăn đủ chất để hỗ trợ quá trình phục hồi hiệu quả hơn.
  • Các loại kháng sinh toàn thân thường được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng hậu sản bao gồm: Ampicillin, Gentamycin. Thuốc tăng co bóp tử cung có thể sử dụng là Oxytocin, Ergometrine.

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện sở hữu đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tu nghiệp ở nước ngoài, luôn cập nhật kỹ thuật mới, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn.

Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu 100% từ nước ngoài, được kiểm định thường xuyên, giúp cho các kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị cho các cặp đôi.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN

Nguồn tài liệu y khoa tham khảo:

  1. Marina Boushra. Postpartum Infection. (2024). Retrieved 26 June 2024, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560804/
  2. Postpartum Infections: How to Spot the Signs. (2024). Retrieved 26 June 2024, from https://www.whattoexpect.com/first-year/postpartum-health-and-care/postpartum-infection/#types
  3. Puerperal Infections. (2024). Retrieved 26 June 2024, from https://www.healthline.com/health/puerperal-infection#complications
  4. Written by WebMD Editorial Contributors. What Is Postpartum Endometritis?. (2024). Retrieved 26 June 2024, from https://www.webmd.com/baby/what-is-postpartum-endometritis