Ảnh hưởng của bệnh cúm đến quá trình thực hiện IVF
Bệnh cúm hiện vẫn đang diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ, và hiện là mối lo ngại của những người đang tìm con bằng phương pháp IVF. Vậy bệnh cúm mùa ảnh hưởng như thế nào đến quá trình IVF? Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn sẽ giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu về bệnh cúm
Bệnh cúm được biết là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus cúm gây ra, tấn công hệ hô hấp, bao gồm mũi, cổ họng, phế quản và phổi. Hầu hết người bệnh có thể hồi phục sau 2 – 7 ngày, nhưng một số trường hợp như người suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh mạn tính có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Bệnh cúm có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng với tỷ lệ mắc bệnh ở người lớn khoảng 5 – 10% và trẻ em là 20 – 30%. Điều đáng lo ngại là virus cúm có khả năng lây lan mạnh, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ở Việt Nam, bệnh cúm thường xảy ra vào mùa mưa nhưng vẫn có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong năm.
2. Các loại virus gây bệnh cúm
Hiện nay, có ba loại virus cúm chính ảnh hưởng đến con người:
- Cúm A: Đây là chủng cúm phổ biến , có thể lây lan nhanh chóng và gây ra các đại dịch trên toàn cầu. Virus cúm A thường xuyên biến đổi, tạo ra nhiều biến chủng mới. Các phân nhóm cúm A đang lưu hành hiện nay gồm A(H1N1) và A(H3N2).
- Cúm B: Cũng có thể bùng phát theo mùa, nhưng virus cúm B ít biến đổi hơn cúm A. Virus này chỉ lây nhiễm ở người và không gây ra những đợt dịch quy mô lớn.
- Cúm C: Ít phổ biến hơn, thường chỉ gây triệu chứng nhẹ và không có khả năng tạo thành dịch lớn.
3. Triệu chứng nhận biết bệnh cúm
Người bệnh cúm có thể xuất hiện triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Nhiều người nhầm lẫn bệnh cúm với cảm lạnh do có các dấu hiệu tương tự như hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Tuy nhiên, cúm tiến triển nhanh và đột ngột hơn cảm lạnh. Các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm bao gồm:
- Sốt cao (39 – 41°C), đặc biệt ở trẻ em.
- Ớn lạnh, đổ mồ hôi.
- Ho khan, đau họng.
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi.
- Đau đầu, mệt mỏi.
- Khó thở, tức ngực.
- Nôn mửa, tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em hơn người lớn).
Thông thường, các triệu chứng của bệnh cúm sẽ giảm dần sau 4 – 7 ngày. Tuy nhiên, ho khan và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài trong nhiều tuần.

4. Nguyên nhân gây bệnh cúm
Virus cúm (Influenza virus) là nguyên nhân chính gây bệnh. Virus này lây lan qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.
Tại Việt Nam, bệnh cúm chủ yếu do các chủng virus cúm A, B và C gây ra, trong đó cúm A và B phổ biến . Virus cúm có khả năng biến đổi liên tục, khiến hệ miễn dịch khó nhận diện, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc bệnh cúm. Ước tính khoảng 500.000 ca tử vong liên quan đến cúm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1-1,8 triệu người nhiễm cúm.
Dù không nguy hiểm như Covid-19, bệnh cúm vẫn có thể gây ra các ổ dịch rải rác nếu không được kiểm soát kịp thời, đặc biệt khi thời tiết thay đổi hoặc vào mùa lạnh.
5. Bệnh cúm có lây không?
Câu trả lời là có. Bệnh cúm có tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt trong môi trường đông người. Khi một người nhiễm virus cúm, họ có thể vô tình phát tán mầm bệnh sang người khác thông qua hai con đường chính:
5.1 Qua dịch tiết đường hô hấp
Khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, người bệnh sẽ phát tán các giọt dịch tiết chứa virus cúm ra môi trường xung quanh. Những giọt dịch nhỏ này có thể di chuyển trong không khí với phạm vi lên đến 2m. Người khỏe mạnh nếu hít phải hoặc tiếp xúc gần với người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm cúm.
5.2 Qua bề mặt tiếp xúc
Virus cúm có thể tồn tại trên bề mặt vật dụng như tay nắm cửa, điện thoại, bàn ghế, cốc chén,… trong nhiều giờ đồng hồ. Khi một người chạm vào những bề mặt bị nhiễm virus và sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng, virus có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Tại Việt Nam, bệnh cúm có thể xuất hiện quanh năm nhưng thường đạt đỉnh vào các tháng 3, 4, 10 và 11. Khi thời tiết chuyển lạnh, hệ miễn dịch suy yếu khiến virus cúm có cơ hội phát triển mạnh hơn. Vì vậy, việc phòng tránh cúm thông qua tiêm vắc xin, giữ vệ sinh cá nhân và tăng cường hệ miễn dịch là rất quan trọng.

6. Chẩn đoán bệnh cúm bằng cách nào?
Để xác định chính xác người bệnh có bị cúm hay không, bác sĩ thường dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với một số phương pháp xét nghiệm như:
- Xét Nghiệm RT – PCR: Là phương pháp có độ chính xác cao , giúp nhận diện và phân loại chủng virus cúm. Thời gian cho kết quả thường trong khoảng 4 – 6 giờ.
- Xét Nghiệm Miễn Dịch Huỳnh Quang: Phương pháp này có độ nhạy thấp hơn RT – PCR nhưng cho kết quả nhanh, chỉ trong vài giờ sau khi lấy mẫu.
- Xét Nghiệm Nhanh (RIDTs): Cho kết quả sau 10 – 15 phút nhưng độ chính xác không cao, có thể cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả.
- Phân Lập Virus: Không phải là xét nghiệm sàng lọc phổ biến nhưng hữu ích trong giai đoạn dịch cúm bùng phát, giúp theo dõi biến chủng của virus.
- Xét Nghiệm Huyết Thanh: Cung cấp kết quả nhanh nhưng không có độ đặc hiệu cao, ít được sử dụng để chẩn đoán cúm cấp tính.
Lưu ý: Ngay cả khi xét nghiệm cho kết quả âm tính, người bệnh vẫn có thể nhiễm cúm. Vì vậy, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác.
7. Biến chứng của bệnh cúm nguy hiểm như thế nào?
Nhiều người chủ quan cho rằng cúm chỉ là bệnh thông thường, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính.
- Viêm phổi và suy hô hấp: Biến chứng nặng nề của cúm là viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, có thể dẫn đến suy hô hấp và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm hai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu: Virus cúm có thể gây viêm nhiễm lan rộng sang các cơ quan khác, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng thứ phát.
- Nguy cơ dị tật thai nhi ở phụ nữ mang thai: Nếu phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu, nguy cơ dị tật bẩm sinh, sảy thai hoặc thai lưu sẽ tăng cao.
- Hội chứng Reye ở trẻ em: Hội chứng này có thể gây sưng phù não và gan, thường gặp ở trẻ từ 2 – 16 tuổi. Dấu hiệu nguy hiểm bao gồm nôn mửa, co giật, hôn mê. Đây là một biến chứng hiếm nhưng có tỷ lệ tử vong cao.
8. Những phương pháp điều trị bệnh cúm
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh cúm, nhưng có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm triệu chứng và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
8.1 Nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng
- Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước, hạn chế rượu bia, cà phê.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, A, E từ rau xanh, trái cây để tăng cường sức khoẻ cho hệ miễn dịch.

8.2 Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt
- Các loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm sốt, đau nhức cơ thể.
- Trẻ em và thanh thiếu niên không nên dùng aspirin để tránh nguy cơ mắc hội chứng Reye.
- Có thể sử dụng thuốc xịt mũi, thuốc trị cảm để giảm triệu chứng.
8.3 Dùng kháng sinh khi cần thiết
- Đối với trường hợp cúm nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus như Oseltamivir, Zanamivir hoặc Peramivir.
- Thuốc có hiệu quả trong 48 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
- Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như buồn nôn, nôn ói.
- Kháng sinh không tiêu diệt virus cúm nhưng có thể được kê đơn nếu người bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn (viêm phổi, viêm xoang, viêm phế quản).
9. Mắc bệnh cúm có chuyển phôi được không?
Câu hỏi này được nhiều cặp vợ chồng quan tâm khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nếu người phụ nữ bị cúm nhẹ, bệnh không ảnh hưởng nhiều đến quá trình chuyển phôi. Tuy nhiên, nếu cúm diễn tiến nặng, chị em nên cân nhắc hoãn việc chuyển phôi để đảm bảo điều kiện cho phôi làm tổ.

10. Trường hợp nên hoãn chuyển phôi khi mắc bệnh cúm
- Sốt cao kéo dài: Nhiệt độ cơ thể tăng cao có thể ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của phôi.
- Cơ thể suy nhược: Khi sức khỏe suy yếu, nội mạc tử cung có thể không đủ điều kiện để tiếp nhận phôi.
- Viêm đường hô hấp nặng: Ho kéo dài, viêm họng nặng có thể làm giảm tỷ lệ thành công của IVF.
- Niêm mạc tử cung chưa sẵn sàng: Sốt cao kéo dài, viêm nhiễm có thể tác động đến nội mạc tử cung, ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi.
Ngoài ra, bệnh cúm còn gây ra một số tác động như sau:
- Rối loạn miễn dịch: Khi bị cúm, hệ miễn dịch có thể bị suy giảm hoặc kích thích quá mức, làm giảm khả năng tiếp nhận phôi, tăng nguy cơ đào thải phôi sau khi chuyển.
- Ảnh hưởng của thuốc điều trị cúm: Một số loại thuốc trị cúm có thể ảnh hưởng đến nội mạc tử cung hoặc hormone, làm giảm tỷ lệ thành công khi chuyển phôi. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Bệnh cúm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thực hiện chuyển phôi trong điều trị hiếm muộn. Để đảm bảo sức khỏe , người bệnh nên chủ động phòng ngừa cúm bằng tiêm vắc xin, giữ gìn vệ sinh cá nhân và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nếu có kế hoạch chuyển phôi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp .
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|