Ung thư buồng trứng nỗi ám ảnh của phụ nữ
Tư vấn chuyên môn Bài Viết
BSCKII. LÝ THÁI LỘC
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn
Ung thư buồng trứng được xem là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Thời điểm hiện tại, mỗi năm có thêm hàng nghìn ca mắc mới tại Việt Nam.
1. Tổng quan về ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng – Ovarian Cancer, là tình trạng một hoặc cả hai buồng trứng ở nữ giới xuất hiện các tế bào bất thường, phát triển thành những khối u ác tính xâm lấn và tấn công phá hủy các mô, cơ quan bộ phận trong cơ thể.
Các khối u có thể di căn đến nhiều cơ quan khác và gây ung thư tại các cơ quan đó. Có khoảng 90% số ca bệnh bắt đầu từ lớp ngoài của buồng trứng, còn gọi là ung thư biểu mô buồng trứng.
Có rất nhiều loại khối u phát triển trong buồng trứng, một số là khối u ác tính và một số là lành tính. Một số trường hợp có thể điều trị bằng cách phẫu thuật bỏ khối u hay cắt bỏ một phần hoặc một bên buồng trứng chứa khối u.
Những thể khối u ác tính trong ung thư buồng trứng, bao gồm:
- Ung thư biểu mô buồng trứng: đây là dạng ung thư thường gặp nhất, trên bề mặt buồng trứng có các tế bào ung thư phát triển.
- Ung thư tế bào mầm: dạng ung thư này xuất phát từ các tế bào sản xuất trứng.
- Một số loại khác: một vài dạng ung thư có nguồn gốc từ mô đệm sinh dục, một số bắt nguồn từ trung mô hoặc đã di căn đến buồng trứng.
2. Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng
Hiện nay, ung thư buồng trứng vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Theo một số nghiên cứu, các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tiền sử bệnh lý gia đình: những người có huyết thống mắc bệnh ung thư buồng trứng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
- Tiền sử bản thân: những người có tiền sử mắc bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng đều có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng.
- Tuổi tác: tình trạng ung thư buồng trứng tăng cao theo tuổi, thường xuất hiện ở độ tuổi trên 50 tuổi.
- Mang thai và sinh con: phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn với những người chưa từng sinh con.
- Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Sử dụng liệu pháp hormon thay thế.
3. Nhận biết ung thư buồng trứng
Triệu chứng của ung thư buồng trứng ban đầu thường không rõ ràng. Cho nên, việc chẩn đoán bệnh lý ở giai đoạn đầu cũng khá khó khăn, thậm chí xét nghiệm Pap smear đôi khi cũng không phát hiện ra.
Phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ, để được thăm khám và chẩn đoán chính xác ngay khi có những thay đổi bất thường sau:
- Thường cảm thấy đầy bụng hoặc đau vùng chậu
- Rối loạn tiêu hóa
- Sút cân không rõ nguyên nhân
- Buồn nôn, ợ nóng, nôn, táo bón
- Đau lưng
- Đi tiểu thường xuyên
- Thay đổi tâm trạng, hay mệt mỏi và gắt gỏng
- Rối loạn kinh nguyệt, chảy máu âm đạo sau bất thường
- Đau rát, khó chịu khi quan hệ
4. Các giai đoạn ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được chia làm 4 giai đoạn như sau:
4.1 Giai đoạn 1
Ở giai đoạn này các khối u xuất hiện ở một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng, chưa lan đến các hạch bạch huyết và các vùng khác ở cơ thể.
Một số ít trường hợp có thấy khối u phát triển ở bề mặt buồng trứng hoặc các tế bào ung thư bong ra và xuất hiện ở dịch ổ bụng.
4.2 Giai đoạn 2
Sang giai đoạn 2, ung thư đã bắt đầu lan sang các cơ quan khác ở vùng chậu, như bàng quang, tử cung, trực tràng, nhưng vẫn chưa lan đến các hạch bạch huyết và khu vực khác.
4.3 Giai đoạn 3
Các tế bào ung thư đã dần xuất hiện ở một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc phúc mạc và đã có di căn ở vùng khác.
4.4 Giai đoạn 4
Đến giai đoạn này, các tế bào ung thư đã hiện hiện ở xung quanh phổi, gan, xương, ruột và các hạch bạch huyết ở xa hơn.
5. Ung thư buồng trứng có nguy hiểm không?
Giống như các loại ung thư khác, ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm, can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu tiên thì cơ hội sống của người bệnh sẽ kéo dài được thêm trên 5 năm kể từ lúc phát hiện bệnh.
Trường hợp, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn hơn thì tỷ lệ sống sẽ càng thấp, tỷ lệ sống sẽ giảm theo từng giai đoạn, như giai đoạn 2 còn khoảng 70%, giai đoạn 3 giảm xuống còn 39% và giai đoạn 4 tỷ lệ sống là rất thấp.
6. Chẩn đoán ung thư buồng trứng
Khi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bất thường, phụ nữ hãy đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được thăm khám để có kết quả chính xác nhất.
6.1 Xét nghiệm chỉ số CA 125
Người bệnh mắc bệnh sẽ có nồng độ CA 125 khoảng 80% cao hơn mức bình thường.
Nhưng nồng độ này chưa đủ để kết luận chắc chắn người bệnh có bị ung thư buồng trứng hay không, vì có thể là lạc nội mạc tử cung, viêm ruột thừa.
Chính vì thế, người bệnh thường được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác nhằm tăng độ chính xác cho việc chẩn đoán.
6.2 Siêu âm
Bác sĩ chỉ định siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo hoặc siêu âm ngoài với đầu dò được đặt ở bên cạnh dạ dày. Thông qua siêu âm sẽ thấy được kích thước, cấu trúc, mật độ của khối u, có nhú không, có tăng sinh mạch máu,…
6.3 Khám vùng chậu
Mục đích là để kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài nữ giới, âm đạo, tử cung và buồng trứng có điểm gì bất thường hay không.
6.4 Chụp MRI/ chụp CT
Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) sẽ thấy hình ảnh 3 chiều (3D) ổ bụng, ngực và vùng chậu rõ nét, giúp bác sĩ chẩn đoán được ung thư buồng trứng và đánh giá được giai đoạn bệnh.
6.5 Chụp X-quang ngực
Chụp X-quang ngực là kỹ thuật hữu ích giúp xác định các tế bào ung thư đã di căn phổi hay chưa.
6.6 Sinh thiết
Thực hiện xét nghiệm trên mô bệnh phẩm để xác định loại tế bào ác tính và mức độ của bệnh, từ đó có thể lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất.
7. Ung thư buồng trứng có chữa khỏi không?
Ung thư buồng trứng mặc dù có tính nguy hiểm với nữ giới nhưng lại có tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị ngay từ giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát trong 2 năm đầu sau điều trị. Vì thế, việc áp dụng những biện pháp phòng ngừa bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng để duy trì cơ thể khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.
8. Điều trị ung thư buồng trứng
Tùy vào giai đoạn ung thư và mức độ đáp ứng với thuốc của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
8.1 Phẫu thuật
Đây là phương pháp được ưu tiên lựa trong việc điều trị người bệnh ung thư buồng trứng. Phẫu thuật giúp xác định chính xác giai đoạn ung thư, có thể kết hợp kiểm tra tình trạng của khối u, buồng trứng và các tổn thương bên trong ổ bụng khi đang phẫu thuật.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra hạch chậu, hạch chủ bụng để loại bỏ các hạch bị di căn và thu mẫu dịch ổ bụng để làm tế bào học.
8.2 Hóa trị
Sau phẫu thuật, có thể các tế bào ung thư buồng trứng vẫn còn sót lại hoặc lan ra mà chưa được loại bỏ hoàn toàn. Thời điểm này, phương pháp hóa trị sẽ được sử dụng để tiêu diệt những tế bào còn sót lại và bằng cách: truyền tĩnh mạch, truyền ổ bụng.
Tác dụng phụ của phương pháp này là hóa chất này sẽ tác động lên cả tế bào ung thư lẫn các tế bào bất thường, gây ra tình trạng buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, có cảm giác kim châm ở bàn tay, bàn chân, da sạm,…
8.3 Xạ trị
Phương pháp này sử dụng các tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Ngoài tác động lên tế bào ung thư, xạ trị cũng tác động đến cả tế bào bình thường.
Tác dụng phụ thường gặp là mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, tiểu tiện khó, da vùng bụng thay đổi, đau bụng và tắc ruột.
8.4 Liệu pháp điều trị đích
Cơ chế của phương pháp này là tấn công và ngăn chặn các gen hoặc protein chuyên biệt được tìm thấy ở các tế bào ung thư hoặc những tế bào có liên quan đến sự hình thành và phát triển của các khối u.
Một số tác dụng phụ có thể gặp là mệt mỏi, tiêu chảy, cao huyết áp, suy tim, viêm da, viêm niêm mạc, chậm lành vết thương,… Ít trường hợp bị thủng thành thực quản, ruột, dạ dày,…
8.5 Điều trị bảo tồn khả năng sinh sản
Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị đều có thể làm tổn thương cơ quan sinh sản của phụ nữ, làm giảm hoặc mất khả năng sinh sản.
Các phương pháp hỗ trợ sinh sản ở nữ giới gồm có:
Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản: phẫu thuật chỉ cắt bỏ một bên buồng trứng, giữ cho buồng trứng còn lại khỏe mạnh để thực hiện việc mang thai trong tương lai. Lưu ý những phương pháp này chỉ thực hiện ở giai đoạn 1.
- Đông lạnh phôi
- Đông lạnh trứng chưa được thụ tinh.
- Đông lạnh mô buồng trứng để sử dụng trong tương lai.
- Ức chế buồng trứng dùng hormone để ức chế tạm thời chức năng của buồng trứng.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện tiên phong trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn và nam học tại Sài Gòn. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, “mát tay” trong lĩnh vực chuyên môn.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn cung cấp các dịch vụ Sản Phụ khoa, giúp chị em phụ nữ có thể đến đây tái khám sức khỏe định kỳ, có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh của mình và tìm được hướng điều trị phù hợp nhất.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|