Viêm bàng quang là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) phổ biến nhất, đặc biệt ở phụ nữ. Vậy có cách nào phòng ngừa tình trạng viêm bàng quang không?

5 biện pháp phòng ngừa viêm bàng quang tái phát cực hữu hiệu
5 biện pháp phòng ngừa viêm bàng quang tái phát cực hữu hiệu

1. Viêm bàng quang là gì?

Bàng quang là một túi cơ chứa đựng nước tiểu được thải ra từ thận. Nước tiểu sẽ được rời khỏi cơ thể qua một ống gọi là niệu đạo.

Viêm bàng quang xảy ra khi vi khuẩn di chuyển vào niệu đạo, lây nhiễm vào nước tiểu, từ đó làm viêm niêm mạc bàng quang. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong và xung quanh hậu môn và âm đạo.

Ở phụ nữ, phần cuối của niệu đạo nằm gần cả hai lỗ, đó là lý do tại sao vi khuẩn từ phân hoặc quan hệ tình dục thường xâm nhập vào niệu đạo hơn. Đi tiểu thường giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể. Nhưng khi một số vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào niệu đạo, chúng có khả năng sinh sôi và lây lan, gây nhiễm trùng.

Đa phần, nữ giới có xu hướng bị viêm bàng quang cao hơn nam giới do niệu đạo nữ giới ngắn hơn. Hầu hết chị em sẽ từng bị bệnh ít nhất một lần. Bệnh này sẽ gây cảm giác đau rát khi tiểu nhưng không đe dọa tới tính mạng và không lây truyền khi quan hệ tình dục. 

Tuy nhiên nếu viêm bàng quang không được điều trị, nhiễm trùng có thể ‘quay ngược’ sâu hơn vào hệ thống tiết niệu từ bàng quang và đến thận. Nhiễm trùng thận là tình trạng nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế kịp thời vì nó có thể gây tổn thương thận hoặc thậm chí là suy thận.

Viêm bàng quang là tình trạng lớp niêm mạc tại cơ quan này bị viêm
Viêm bàng quang là tình trạng lớp niêm mạc tại cơ quan này bị viêm

2. Nguyên nhân gây viêm bàng quang là gì? 

Viêm bàng quang thường do vi khuẩn ở đường tiết niệu dưới gây ra. Thông thường nhất – trong 95% trường hợp – vi khuẩn Escherichia coli là nguyên nhân chính.

E.coli là vi khuẩn thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa và ruột. Trong điều kiện bình thường, nó vô hại. Tuy nhiên, E.coli phát triển mạnh trong môi trường axit của bàng quang, nơi nó có thể phát triển với tốc độ rất nhanh và làm viêm niêm mạc bàng quang.

Đôi khi, khi vi khuẩn tiếp xúc với niệu đạo, nó sẽ di chuyển đến bàng quang, dẫn đến viêm bàng quang. Sự tiếp xúc này có thể xảy ra khi:

  • Quan hệ tình dục thông qua đường âm đạo.
  • Quan hệ tình dục bằng đường hậu môn.
  • Không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu hoặc sau khi quan hệ.
  • Đã từng đặt ống thông vào niệu đạo.
  • Nam giới không cắt bao quy đầu có nguy cơ bị viêm bàng quang cao hơn.
  • Sử dụng các loại thuốc, hóa chất, dị vật không rõ nguồn gốc vào vùng kín.
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm bàng quang là vi khuẩn
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm bàng quang là vi khuẩn

3. Các triệu chứng của viêm bàng quang là gì?

Những người bị viêm bàng quang có thể gặp các triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như:

  • Đi tiểu đau buốt
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Chuột rút hoặc áp lực ở lưng dưới hoặc bụng
  • Thường xuyên muốn đi tiểu
  • Tiểu không tự chủ
  • Nước tiểu đục hoặc có màu sẫm
  • Máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau bộ phận sinh dục
  • Sốt nhẹ ở một số người
  • Mệt mỏi

Đôi khi người lớn tuổi bị viêm bàng quang mà không có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, họ có thể xuất hiện một số biểu hiện sau: 

  • Sốt
  • Lú lẫn
  • Mê sảng
Đau, tiểu buốt là những triệu chứng thường gặp của viêm bàng quang
Đau, tiểu buốt là những triệu chứng thường gặp của viêm bàng quang

4. Đối tượng dễ bị viêm bàng quang

4.1 Phụ nữ

Phụ nữ ở độ tuổi thanh thiếu niên trở lên dễ bị viêm bàng quang nhất, đặc biệt khi có hoạt động tình dục. Niệu đạo của phụ nữ chỉ dài 4 cm, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang.

Ngoài ra, nội  tiết tố sinh dục nữ ảnh hưởng đến dịch tiết âm đạo ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của vi khuẩn. 

4.2 Nam giới và người lớn tuổi

Đàn ông có xu hướng bị viêm bàng quang khi có tuổi. Viêm bàng quang thường gặp phổ biến ở người lớn tuổi, đặc biệt nếu họ đang gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe. Ống thông bàng quang và một số phẫu thuật đường tiết niệu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

4.3 Trẻ em

Viêm bàng quang ở trẻ luôn cần được điều tra vì nó có thể chỉ ra một tình trạng nghiêm trọng hơn như trào ngược nước tiểu (còn gọi là trào ngược bàng quang niệu quản). Đây là vấn đề về van bàng quang, khiến nước tiểu chảy ngược về thận.

5. Điều trị viêm bàng quang bằng cách nào?

Triệu chứng sớm nhất của viêm bàng quang thường là cảm giác châm chích nhẹ khi đi tiểu. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng cách uống thật nhiều nước lọc (nên là nước có chứa chất kiềm hóa nước tiểu).

Đồng thời tránh thực phẩm hoặc đồ uống có tính axit vì chúng làm mất tác dụng của chất kiềm hóa nước tiểu và có thể làm nặng thêm tình trạng bỏng rát khi đi tiểu.

Nếu các phương pháp tự điều trị không hiệu quả, hãy nhanh chóng đến bệnh viện uy tín để tiến hành kiểm tra và điều trị. Viêm bàng quang có thể được điều trị bằng một đợt (hoặc nhiều đợt) kháng sinh.

Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm bàng quang do vi khuẩn. Thông thường, cần phải điều trị từ 3 đến 7 ngày, nhưng trong một số trường hợp, chỉ cần một liều kháng sinh duy nhất gọi là fosfomycin là đủ.

Ngoài ra, còn có một số loại thuốc được bác sĩ sử dụng để điều trị viêm bàng quang đó là: 

  • Phenazopyridine, giúp giảm đau ở đường tiết niệu.
  • Kem estrogen âm đạo, có thể cải thiện triệu chứng cho phụ nữ mãn kinh.
  • Thuốc kháng cholinergic, có thể giúp thư giãn bàng quang, cải thiện triệu chứng.

Nếu nguyên nhân gây viêm bàng quang mãn tính là do tắc nghẽn vật lý đối với niệu đạo hoặc bàng quang, trường hợp này hiếm khi xảy ra, có thể cần phải phẫu thuật để cải thiện lưu lượng nước tiểu.

Thăm khám ngay khi cảm thấy sức khỏe có vấn đề
Thăm khám ngay khi cảm thấy sức khỏe có vấn đề

6. 5 biện pháp phòng ngừa viêm bàng quang tái phát cực hữu hiệu

Khoảng 20% phụ nữ từng bị viêm bàng quang sẽ bị nhiễm trùng tái phát và điều này phổ biến nhất ở phụ nữ mãn kinh và sau mãn kinh. Sau khi bị bệnh một lần, nhiều người sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tránh tái phát. Dưới đây là 5 biện pháp có thể giúp người bệnh phòng ngừa tái phát bệnh vô cùng hiệu quả.

6.1 Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Tránh mặc đồ lót và quần bó sát. Bởi chúng có thể tạo ra một môi trường ấm áp và ẩm ướt giúp vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn. Thay vào đó, hãy mặc đồ lót bằng vải cotton và quần áo rộng rãi.

Không sử dụng sữa tắm hoặc sữa tắm tạo bọt có mùi thơm nồng vì hóa chất có thể loại bỏ vi khuẩn thiết yếu trong đường tiết niệu và làm mất cân bằng môi trường vi sinh vật bên trong. Người ta cũng cho rằng tắm vòi sen thay vì tắm bồn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.

Hãy cẩn thận khi sử dụng băng vệ sinh, cốc nguyệt san hoặc tampon vì những thứ này có thể dễ dàng bị nhiễm bẩn và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể rất dễ dàng. Chị em cũng nên lưu ý lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để đưa vi khuẩn ra khỏi niệu đạo.

6.2 Uống đủ lượng nước mỗi ngày

Hãy uống đủ lượng nước và đi tiểu để làm sạch bàng quang. Không nên kiềm chế, nhịn tiểu vì điều này có thể làm tổn thương bàng quang, đồng thời có thể khiến nước tiểu ứ đọng, trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn.

Hãy uống đủ lượng nước và đi tiểu để làm sạch bàng quang
Hãy uống đủ lượng nước và đi tiểu để làm sạch bàng quang

6.3 Điều trị bệnh lý tiềm ẩn

Đối với một số người, viêm bàng quang là thứ phát sau một số tình trạng bệnh lý khác. Đối với nam giới, điều này rất có thể liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt.

Tuyến tiền liệt nằm quanh cổ bàng quang nên khi sưng lên, nó vừa có thể gây áp lực lên bàng quang, vừa “ép” niệu đạo. Điều này hạn chế dòng nước tiểu ra khỏi bàng quang, gây khó khăn cho việc thoát nước hoàn toàn.

Lượng nước tiểu nhỏ còn sót lại trong bàng quang là môi trường tuyệt vời để vi khuẩn có thể phát triển mạnh và dẫn đến viêm bàng quang. Vì vậy, tìm cách điều trị tuyến tiền liệt sẽ là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh tái phát trong tương lai.

Táo bón cũng có thể gây bí tiểu vì ruột to có thể gây áp lực lên bàng quang và hạn chế dòng nước tiểu. Giống như tuyến tiền liệt phì đại, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng bàng quang do vi khuẩn. Vì vậy, việc giảm táo bón sẽ giúp ngăn ngừa viêm bàng quang tái phát.

Có nhiều tình trạng bệnh lý, bao gồm bệnh tiểu đường và bệnh đa xơ cứng, có thể làm tăng khả năng bị nhiễm trùng tái phát. Trong những trường hợp như vậy, hãy tìm gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất. 

6.3 Sử dụng thuốc kháng sinh

Một số người có nguy cơ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), chẳng hạn như những người mắc bệnh đa xơ cứng. Nếu trường hợp này xảy ra và bệnh viêm bàng quang thường xuyên tái phát, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng sinh liều thấp liên tục trong sáu tháng để xem liệu điều này có giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hay không.

Điều trị bằng thuốc là bước ưu tiên trong điều trị viêm bàng quang
Điều trị bằng thuốc là bước ưu tiên trong điều trị viêm bàng quang

6.4 Hạn chế uống cà phê và ăn cay

Một số thực phẩm như cà phê và thức ăn cay có thể làm cho bệnh viêm bàng quang trở nên trầm trọng hơn và những người nhạy cảm nên tránh càng nhiều càng tốt.

Thức ăn cay có thể bệnh viêm bàng quang trở nặng hơn
Thức ăn cay có thể bệnh viêm bàng quang trở nặng hơn

6.5 Uống nước ép nam việt quất

Uống nước ép nam việt quất đã được chứng minh là có lợi trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Nó tạo thành một lớp phủ trên thành tế bào của vi khuẩn, ngăn chúng bám vào thành bàng quang. Nếu vi khuẩn không thể trú ngụ trong bàng quang, có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. 

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện uy tín trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những dịch vụ thăm khám và xét nghiệm tìm ra nguyên nhân hiếm muộn, bệnh viện còn cung cấp các gói khám đánh giá sức khỏe tổng quát, và các xét nghiệm sinh sản.

Hơn thế nữa, bệnh viện còn sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế đều là những người có kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn bài bản, điều này sẽ nâng cao tỷ lệ điều trị thành công hơn.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN

Nguồn tài liệu tham khảo:

  1. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/cystitis
  2. https://www.news-medical.net/health/Cystitis-Prevention.aspx