Bơm IUI bao lâu thì tinh trùng gặp trứng?
IUI hiện đang là một trong những phương pháp được tìm đến nhiều bởi các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Trong quá trình tiến hành phương pháp nào, nhiều người rất băn khoăn lo lắng về một vấn đề “Bơm IUI bao lâu thì tinh trùng gặp trứng?”. Hôm nay, Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn rất vui được chia sẻ với chị em những thông tin chi tiết về quá trình này để giúp gia đình có cái nhìn rõ ràng hơn và chuẩn bị tốt cho những bước tiếp theo trong hành trình trở thành cha mẹ.
Chị Võ Thị Hồng Phúc, 40 tuổi, hiện đang sống tại Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư đến Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn không chỉ để chia sẻ nỗi lòng của mình mà còn để nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ của quý bệnh viện.
Chị và chồng đã kết hôn được 9 năm. Sau nhiều nỗ lực từ thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, đến dùng thuốc bổ sung, cả hai vẫn chưa đạt được ước mơ làm cha mẹ. Vì vậy, chị quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ y tế và đang nghiên cứu về phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung).
Trong thư gửi Bệnh Viện Hỗ trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn, chị bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến quy trình thực hiện IUI, đặc biệt thắc mắc “bơm IUI bao lâu tinh trùng gặp trứng” và mong được giải đáp rõ ràng. Chị bày tỏ mong muốn được tư vấn chi tiết từ Bệnh viện Hỗ trợ Sinh sản & Nam học Sài Gòn, hy vọng IUI sẽ giúp chị hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ.
1. Tìm hiểu phương pháp IUI – Thụ tinh nhân tạo là gì?
IUI là một thủ thuật trong đó tinh trùng của người chồng được thu thập, lọc rửa và chọn lọc kỹ càng, sau đó bơm trực tiếp vào buồng tử cung của người vợ trong thời điểm rụng trứng.
Mục đích của IUI là đưa tinh trùng gần hơn với trứng để tăng cơ hội thụ tinh. Phương pháp này giúp loại bỏ những yếu tố cản trở như tinh trùng yếu hoặc không thể di chuyển đúng hướng, đồng thời hỗ trợ trong việc thụ thai cho những cặp đôi gặp khó khăn trong việc có con tự nhiên.
2. Bơm IUI bao lâu thì tinh trùng gặp trứng?
Đây chắc hẳn là thắc mắc của nhiều chị em trong quá trình thực hiện phương pháp này.
Sau khi bơm IUI, tinh trùng được đưa trực tiếp vào tử cung và nhanh chóng di chuyển qua tử cung vào ống dẫn trứng, nơi quá trình thụ tinh có thể diễn ra. Tuy nhiên, thời gian gặp gỡ giữa tinh trùng và trứng không phải lúc nào cũng diễn ra ngay lập tức và phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng:
2.1 Chu kỳ rụng trứng của phụ nữ
Thụ tinh chỉ có thể xảy ra khi trứng đã rụng và sẵn sàng tiếp nhận tinh trùng. Vì vậy, để thụ tinh có thể xảy ra, thời điểm bơm IUI cần được đồng bộ với thời điểm rụng trứng của người phụ nữ.
2.2 Thời điểm bơm IUI
Để tăng cơ hội thụ tinh, IUI thường được thực hiện vào thời điểm gần với ngày rụng trứng của người phụ nữ. Thường là vào 24 – 48 giờ trước hoặc sau khi trứng rụng, để tinh trùng có thể gặp trứng trong cửa sổ thụ tinh.
2.3 Chất lượng tinh trùng và trứng
Chất lượng của tinh trùng và trứng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thời gian gặp gỡ và khả năng thụ tinh. Tinh trùng khỏe mạnh và di động tốt sẽ di chuyển nhanh và dễ dàng hơn đến ống dẫn trứng, tăng cơ hội gặp được trứng.
Nếu tinh trùng yếu hoặc không di động tốt, khả năng gặp trứng sẽ giảm. Tương tự, trứng phải ở trạng thái khỏe mạnh và sẵn sàng để tiếp nhận tinh trùng. Nếu trứng không đủ chất lượng, khả năng thụ tinh sẽ giảm đi đáng kể.
3. Quá trình di chuyển của tinh trùng sau bơm IUI diễn ra như thế nào?
- Ngày 1: sau khi bơm, tinh trùng bắt đầu di chuyển vào ống dẫn trứng để tìm gặp trứng. Trong giai đoạn này, bạn có thể thấy chuột rút nhẹ hoặc xuất hiện đốm máu.
- Ngày 2 – 3: cảm giác đầy hơi, chuột rút nhẹ hoặc ra máu có thể tiếp tục. Lúc này nên tránh làm việc nặng hoặc vận động mạnh.
- Ngày 4 – 5: nếu quá trình thụ tinh thành công, trứng thụ tinh (phôi) sẽ di chuyển về tử cung và chuẩn bị làm tổ.
- Ngày 6 – 12: phôi bám vào niêm mạc tử cung, có thể gây ra chảy máu nhẹ hoặc đốm máu. Đây là hiện tượng bình thường, không cần quá lo lắng.
- Ngày 9 – 14: phôi bắt đầu tiết hormone hCG. Các triệu chứng mang thai sớm như đau ngực, chuột rút hoặc thay đổi tâm trạng có thể xuất hiện.
- Ngày 15: bạn nên thực hiện xét nghiệm nước tiểu hoặc máu để xác nhận có thai.
Tỷ lệ thụ thai thành công sau IUI phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi của người mẹ, sức khỏe sinh sản, và số chu kỳ IUI đã thực hiện. Vậy nên các chị em nên tiến hành kiểm tra sức khỏe thường xuyên để có thể cập nhật được tình hình của bản thân được kịp thời.
4. Một số dấu hiệu thông báo IUI thành công?
- Chậm kinh: nếu sau 14 ngày không có kinh nguyệt, đây có thể là dấu hiệu mang thai. Tuy nhiên, thuốc nội tiết có thể ảnh hưởng đến chu kỳ, do đó cần xác nhận bằng que thử thai hoặc xét nghiệm hCG.
- Mệt mỏi: do cơ thể cần cung cấp năng lượng cho thai nhi và có thể thiếu máu dẫn đến mệt mỏi.
- Tâm trạng thay đổi: hormone thai kỳ gây thay đổi tâm trạng, khiến bạn dễ xúc động hơn.
- Buồn nôn: “nghén” xuất hiện ở 80% phụ nữ mang thai, thường rõ rệt trong tam cá nguyệt đầu tiên.
- Thay đổi khẩu vị: có thể thèm ăn hoặc cảm thấy ghét một số loại thực phẩm, do thay đổi về vị giác và mùi vị.
- Chảy máu nhẹ: thường là máu màu hồng hoặc nâu nhạt, xuất hiện khi phôi làm tổ trong tử cung.
- Nhiệt độ cơ thể tăng: sau rụng trứng, nhiệt độ cơ bản của cơ thể tăng nhẹ và kéo dài trong thai kỳ.
- Đi tiểu thường xuyên: do hormone thai kỳ làm tăng lưu lượng máu đến thận và tử cung gây áp lực lên bàng quang.
Dù có những dấu hiệu trên, không phải ai cũng xuất hiện triệu chứng rõ rệt. Để xác nhận, hãy sử dụng que thử thai hoặc thực hiện xét nghiệm beta hCG sau 14 ngày bơm IUI. Tránh thử thai quá sớm vì thuốc kích thích buồng trứng có thể gây kết quả dương tính giả. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào để đảm bảo hành trình mang thai an toàn và khỏe mạnh.
5. Chăm sóc sức khoẻ sau bơm IUI
Tăng tỷ lệ thụ thai thành công, đặc biệt trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IUI, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe thể chất và tinh thần. Dưới đây là những lời khuyên quan trọng giúp tăng cơ hội thụ thai thành công:
5.1 Chế độ ăn uống lành mạnh
Ưu tiên thực phẩm giàu acid folic, kẽm, sắt, và vitamin D như rau xanh, cá, trái cây. Hạn chế đồ ăn nhanh, nhiều đường, và chất béo bão hòa. Uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để duy trì sức khỏe.
5.2 Thói quen sống lành mạnh
Tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ giúp tăng cường lưu thông máu. Ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm để cân bằng nội tiết. Tránh hoàn toàn thuốc lá, rượu bia vì chúng ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng.
5.3 Giữ tinh thần thoải mái, tích cực
Thư giãn qua thiền, đọc sách, hoặc tham gia hoạt động yêu thích. Stress kéo dài gây rối loạn hormone, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng thụ thai.
5.4 Khám sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe sinh sản, bao gồm chất lượng trứng, tinh trùng và nội tiết tố. Tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch hỗ trợ sinh sản phù hợp.
Trên đây là những thông tin cần thiết mà Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn mong rằng có thể giúp ích được một phần nào đó cho các ba mẹ. Bệnh viện sẽ luôn đồng hành cùng các gia đình trên hành trình chào đón thiên thần nhỏ.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|