Chị Lê Thu Hồng (43 tuổi, Quảng Nam) đã trải qua nhiều năm điều trị hiếm muộn nhưng chưa thành công. Sau nhiều phương pháp như dùng thuốc và thụ tinh nhân tạo, chị quyết định thực hiện IVF với hy vọng đây là cơ hội cuối cùng để có con. Dù rất mong chờ tin vui, chị vẫn còn nhiều thắc mắc về quá trình mang thai và sinh nở sau IVF.

Một trong những băn khoăn lớn của chị là liệu sau khi thực hiện IVF, chị có thể sinh thường được không hay bắt buộc phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Chị mong nhận được sự tư vấn từ Bệnh viện Hỗ trợ Sinh sản & Nam học Sài Gòn để có sự chuẩn bị cho hành trình làm mẹ sắp tới.

IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến, giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn thực hiện ước mơ làm cha mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui khi mang thai, nhiều mẹ bầu vẫn băn khoăn về phương pháp sinh nở sau IVF, đặc biệt là việc liệu có thể sinh thường hay không. Vậy thực tế, sau khi làm IVF, mẹ bầu có thể sinh thường được không? Những yếu tố nào quyết định phương pháp sinh phù hợp? Và bài viết này sẽ trả lời cho vấn đề này.

1. Tìm hiểu IVF là gì?

IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản trong đó trứng và tinh trùng được thụ tinh bên ngoài cơ thể, trong môi trường phòng thí nghiệm. Sau khi phôi hình thành, bác sĩ sẽ chọn lọc phôi khỏe mạnh để chuyển vào tử cung của người mẹ, giúp phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi.

Tỷ lệ thành công của IVF phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Tuổi của người mẹ: Phụ nữ dưới 35 tuổi có tỷ lệ thành công cao hơn so với những người trên 40 tuổi.
  • Chất lượng trứng và tinh trùng: Chất lượng phôi đóng vai trò quan trọng trong việc phôi có làm tổ thành công hay không.
  • Sức khỏe tổng thể: Mẹ bầu có sức khỏe tốt, tử cung khỏe mạnh sẽ giúp phôi bám chắc hơn.
  • Kinh nghiệm của bác sĩ: Một cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao sẽ giúp tăng cơ hội thành công.Trung bình, tỷ lệ thành công của IVF dao động từ 40-50% ở phụ nữ dưới 35 tuổi, trong khi tỷ lệ này giảm còn 20 – 30% ở phụ nữ trên 40 tuổi.

2. Thai IVF có thể sinh thường được không?

Nhiều phụ nữ lo lắng rằng việc mang thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh thường. Tuy nhiên phương pháp hỗ trợ sinh sản này không làm mất đi khả năng sinh tự nhiên. Nếu thai kỳ diễn ra suôn sẻ, sức khỏe của mẹ và bé ổn định, thai phụ vẫn có thể sinh thường mà không cần phải sinh mổ.

3. Sinh thường hay sinh mổ – Phương pháp nào sẽ phù hợp 

Việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ không chỉ phụ thuộc vào mong muốn của mẹ bầu mà quan trọng là tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Các bác sĩ sẽ đánh giá tổng thể để đưa ra chỉ định phù hợp , đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Trong trường hợp thai phụ có sức khỏe tốt, không có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể ưu tiên sinh thường. Ngược lại, nếu thai nhi có ngôi thai bất thường, mẹ bầu lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền như tiểu đường, tiền sản giật, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ để giảm nguy cơ biến chứng. 

Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sinh mổ ở phụ nữ mang thai nhờ IVF cao hơn do liên quan đến các yếu tố như tuổi tác và tiền sử bệnh lý. Do đó, việc theo dõi sát sao và tư vấn kỹ lưỡng từ bác sĩ là điều cần thiết để đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra an toàn.Khi nào thai IVF cần sinh mổ?Dưới đây là một số trường hợp bác sĩ thường chỉ định sinh mổ cho mẹ bầu IVF nhằm đảm bảo an toàn tối đa:

  • Tình trạng sức khỏe của mẹ: Phụ nữ lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, tiền sản giật thường được khuyến cáo sinh mổ để tránh rủi ro trong quá trình sinh thường.
  • Chuyển dạ kéo dài: Nếu mẹ bầu chuyển dạ quá lâu (trên 20 giờ) mà không có dấu hiệu tiến triển, sinh mổ có thể được chỉ định để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.
  • Ngôi thai bất thường: Nếu thai nhi không ở tư thế thuận lợi (ngôi mông, ngôi ngang), sinh mổ sẽ là lựa chọn an toàn hơn.
  • Thai nhi có dấu hiệu nguy hiểm: Nếu bác sĩ phát hiện suy thai, nhịp tim bất thường hoặc dấu hiệu thiếu oxy, cần tiến hành mổ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho bé.
  • Dị tật bẩm sinh hoặc thai chậm phát triển: Trong trường hợp thai nhi có dấu hiệu chậm phát triển hoặc nghi ngờ dị tật, bác sĩ có thể chủ động sinh mổ để giảm thiểu rủi ro.
  • Tiền sử sinh mổ: Những mẹ bầu đã từng sinh mổ nhiều lần thường được khuyến cáo tiếp tục sinh mổ để tránh nguy cơ vỡ tử cung.
  • Vấn đề liên quan đến nhau thai: Thai IVF có nguy cơ cao gặp tình trạng nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Trong trường hợp này, sinh mổ giúp hạn chế biến chứng xuất huyết nguy hiểm.
  • Mang đa thai: Nếu mang song thai hoặc đa thai với tư thế thai không thuận lợi, sinh mổ sẽ được ưu tiên để bảo đảm an toàn.

4. Làm sao để có một thai kỳ IVF khoẻ mạnh?

Để đảm bảo thai kỳ diễn ra thuận lợi, mẹ bầu IVF cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Dinh dưỡng đầy đủ: Ăn nhiều thực phẩm giàu protein (thịt, cá, sữa, ngũ cốc), bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết như axit folic, canxi, omega-3.
  • Hạn chế thực phẩm không tốt: Tránh thực phẩm chứa thủy ngân cao (cá ngừ, cá kiếm), thực phẩm chưa tiệt trùng, đồ uống có cồn và caffeine.
  • Tránh tiếp xúc hóa chất và nhiệt độ cao: Không tắm nước quá nóng, hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại.
  • Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước: Điều này giúp mẹ bầu giảm căng thẳng và duy trì sức khỏe tốt.
  • Bổ sung axit folic: Hỗ trợ phôi thai làm tổ và giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
  • Giữ tinh thần lạc quan: Tránh căng thẳng, duy trì tâm lý ổn định để có một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Thận trọng khi quan hệ vợ chồng: Trong tam cá nguyệt đầu tiên, cần hạn chế hoặc tránh quan hệ tình dục để bảo vệ thai nhi.
  • Khám thai định kỳ: Tuân thủ lịch khám thai của bác sĩ để theo dõi sức khỏe mẹ và bé, phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường.Những thông tin trên hy vọng có thể giảm bớt đi sự lo lắng trong lòng của các ba mẹ. Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn xin chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN