Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ rối loạn nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố xảy ra khi các chức năng của hệ thống nội tiết có vấn đề. Tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
1. Các tuyến quan trọng trong hệ nội tiết
Hệ nội tiết gồm các cơ quan và các tuyến kết nối với nhau để sản xuất và bài tiết các hormone nội tiết. Nội tiết tố kiểm soát và điều chỉnh quá trình trao đổi chất, chuyển hoá năng lượng, phát triển chức năng sinh sản,… Hệ nội tiết gồm:
1.1 Vùng dưới đồi
Nằm ở dưới đáy não, gần tuyến yên. Chức năng của nó là tiết các hormone kích thích hoặc ức chế sự tiết hormone của tuyến yên. Đồng thời kiểm soát sự cân bằng nước và nhiệt độ cơ thể, điều hòa giấc ngủ cũng như huyết áp.
1.2 Tuyến yên
Mặc dù có kích thước nhỏ chỉ bằng hạt đậu nhưng tuyến yên lại là một trong những tuyến chính. Tiếp nhận thông tin não bộ, truyền thông tin và kiểm soát chức năng của các tuyến nội tiết khác ở ngoại biên.
1.3 Tuyến tùng
Tuyến tùng nằm ở phần giữa não, hormone nó tiết ra có tên gọi là melatonin giúp điều chỉnh giấc ngủ đồng thời duy trì nhịp sinh học, và có ảnh hưởng tới hormone sinh sản.
1.4 Tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, nằm ở trước cổ, bên dưới thanh quản và có hình dạng giống loài bướm. Tuyến giáp tiết ra các hormone duy trì sự phát triển của cơ thể, giữ vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Ngoài ra còn góp phần kiểm soát chu kì kinh nguyệt ở nữ giới.
1.5 Tuyến ức
Tuyến ức là cơ quan quan trọng tạo ra các tế bào miễn dịch. Các tế bào này giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, tiêu diệt các tế bào lạ xuất hiện bất thường.
1.6 Tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận nằm ở cực trên của mỗi quả thận bao gồm phần vỏ và phần tủy. Vỏ thượng thận và tuỷ thượng thận đều có chức năng riêng biệt. Vỏ ngoài của mỗi tuyến tiết ra hormone steroid, corticosteroid, catecholamines duy trì huyết áp, điều hoà quá trình trao đổi chất. Tuyến thượng thận hoạt động dưới sự kiểm soát của tuyến yên.
1.7 Tuyến tụy
Tuyến tụy sản xuất insulin và glucagon có vai trò điều chỉnh lượng đường trong máu mà cơ thể nạp vào.
1.8 Buồng trứng
Buồng trứng nằm ở 2 bên tử cung của phụ nữ, được nối với tử cung bằng ống dẫn trứng. Buồng trứng sản xuất estrogen và progesterone để duy trì chức năng sinh sản, các đặc tính đặc trưng ở nữ giới.
1.9 Tinh hoàn
Tinh hoàn nằm trong vùng bìu của nam giới, có vai trò sản xuất tinh trùng cho quá trình sinh sản và testosterone, duy trì các đặc tính nam giới.
Tham khảo thêm:
2. Nguyên nhân gây ra rối loạn nội tiết tố
Các tuyến nội tiết tiết ra quá nhiều hoặc quá ít hormone chúng phụ trách, gây ra tình trạng rối loạn. Các hormone được giải phóng vào máu đều được kiểm soát thông qua hệ thống phản hồi để đảm bảo luôn ở trạng thái cân bằng.
Khi xảy ra tình trạng xuất hiện quá nhiều hoặc quá ít hormone trong máu, hệ thống này sẽ báo tới các tuyến nội tiết phụ trách để điều chỉnh phù hợp. Khi hệ thống cảnh báo này gặp khó khăn, là nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn nội tiết tố.
3. Bệnh lý rối loạn nội tiết tố thường gặp
3.1 Bệnh tiểu đường
Insulin do tuyến tụy tiết ra không đủ dẫn đến thiếu hụt hormone chuyển hoá lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ dẫn đến các tình trạng như: sụt cân không kiểm soát, luôn khát nước, các vết thương hở lâu lành hơn, hai bàn chân tê rần, thường xuyên đi tiểu,…
3.2 Cường giáp
Cường giáp là do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp giải phóng vào máu. Người mắc bệnh này thường có biểu hiện: tim đập nhanh nhưng nhịp đập không đều, hay bồi hồi, nhạy cảm với nhiệt độ nóng, luôn trong trạng thái mệt mỏi, dễ cáu gắt.
3.3 Suy giáp
Ngược lại với cường giáp, suy giáp là biến chứng của việc tuyến giáp sản xuất không đủ hormon giáp cho cơ thể. Triệu chứng thường gặp: tăng cân bất thường, tâm trạng dễ rơi vào trầm cảm, nhạy cảm với nhiệt độ lạnh, mặt sưng, da khô, kinh nguyệt rối loạn.
3.4 Cushing
Khi cơ thể dư thừa hormone cortisol sẽ gây ra hội chứng Cushing. Cortisol là hormone điều hoà cơ thể trong việc trao đổi chất, xử lý tình trạng stress, duy trì huyết áp. Cushing có thể bắt nguồn từ bên trong (tuyến thượng thận tiết cortisol quá nhiều) hoặc bên ngoài (lạm dụng các thuốc có chứa cortisol). Người bị cushing có thể bị tăng cân không kiểm soát, mặt sưng, tóc rụng, giảm ham muốn tình dục, tay chân teo nhỏ, cơ thể dễ để lại vết bầm.
3.5 Suy thượng thận
Khi bị suy thượng thận, người bệnh sẽ cảm thấy luôn mệt mỏi, cân nặng sụt giảm do hạ huyết áp tư thế. Trẻ em nếu bị suy thượng thận sẽ dẫn đến chậm phát triển. Suy thượng thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng hơn như yếu cơ, đau bụng, nôn mửa, mê sảng, huyết áp tụt giảm, thậm chí có thể tử vong.
3.6 To đầu chi
Do tuyến yên tăng tiết hormone tăng trưởng khiến xương và các mô trong cơ thể phát triển nhanh nhưng bất thường. Triệu chứng dễ thấy nhất của bệnh này đó là: bàn tay bàn chân thô to, mặt thô, mũi to, hàm dưới nhô ra trong khi cung mày gồ lên. Cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn, mọc nhiều mụn thịt, lông rậm.
3.7 U tiết Prolactin
Đây là khối u lành tính phát triển ở tuyến yên. U prolactin thường gặp ở cả nam và nữ. Triệu chứng điển hình là ảnh hưởng tới chu kì kinh nguyệt (tình trạng thiếu kinh, vô kinh). Nam giới thì giảm ham muốn trong chuyện giường chiếu, bất lực hoặc vô sinh.
3.8 Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Xảy ra khi buồng trứng sản xuất một lượng androgen nhiều bất thường. Androgen là hormone sinh dục ở nam giới, nữ giới hầu như rất hiếm có hormone này trong cơ thể. Triệu chứng của buồng trứng đa nang là: thừa cân, béo phì, kinh nguyệt không đều hoặc ít kinh, da tiết nhiều dầu, âm đạo khô, buồng trứng có nhiều nang trứng.
4. Chẩn đoán rối loạn nội tiết tố
Một số biểu hiện của rối loạn nội tiết tố khá khó nhận biết, thường diễn biến âm thầm theo thời gian cho đến khi xuất hiện những biểu hiện nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên đi kiểm tra nội tiết tố định kỳ để phát hiện kịp thời. Chẩn đoán rối loạn nội tiết tố khá phức tạp, cho nên cần đến các trung tâm y tế uy tín để thực hiện.
5. Điều trị rối loạn nội tiết tố
Nguyên tắc điều trị rối loạn nội tiết tố sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà sẽ có các chỉ định, phương pháp khác nhau.
Nếu chức năng nội tiết bị suy giảm, sẽ được điều trị bằng cách bổ sung các hormone ngoại biên bằng đường uống như trong bệnh lý suy giáp, suy thượng thận,..
Nếu người bệnh bị cường chức năng nội tiết do tăng đột ngột lượng hormone trong máu, bác sĩ sẽ điều trị bằng việc sử dụng thuốc ức chế hormone, phẫu thuật hoặc xạ trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Ngoài ra, có thể phòng ngừa rối loạn nội tiết tố bằng các cách đơn giản như:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu protein, và các loại hạt
- Tập thể dục đều đặn
- Có chế độ nghỉ ngơi thư giãn hợp lý
- Không sử dụng thuốc lá.
Nội tiết tố có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Khi bị rối loạn nội tiết tố, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình trao đổi chất và các hoạt động khác. Vì thế cần theo dõi và kiểm tra nội tiết tố định kỳ để có phương án điều trị kịp thời nếu phát hiện điều bất thường.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện tiên phong trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn tại Sài Gòn. Bệnh viện cung cấp các loại xét nghiệm liên quan đến chức năng sinh sản của cả hai vợ chồng, bao gồm cả xét nghiệm nội tiết tố, phân tích hormone. Cùng với đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn và máy móc hiện đại tân tiến để đảm bảo tính chính xác của kết quả.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|