Chị Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, Quận 7) đã trải qua 4 năm tìm kiếm niềm vui làm mẹ mà chưa thành công dù đã thử nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản khác nhau. Gần đây, chị bắt đầu tìm hiểu về IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) như một giải pháp tiềm năng nhưng không khỏi lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp này.     

Chị gửi câu hỏi đến Bệnh viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn với mong muốn được tư vấn: “Làm IUI có hại không? Những rủi ro nào có thể xảy ra?” Chị hi vọng nhận được thông tin hữu ích từ các bác sĩ để hiểu rõ hơn và đưa ra quyết định đúng đắn, tiếp tục hành trình chạm đến giấc mơ làm mẹ.

Hiện nay, nhiều gia đình đang tìm kiếm đến những phương pháp hỗ trợ sinh sản nhằm có thể dễ dàng hơn trên con đường làm cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn có những băn khoăn về việc khi thực hiện những phương pháp này, đặt biệt là IUI có gây hại cho sức khỏe hay không. Và bài viết này sẽ giải đáp về vấn đề này.

1. Một số điều cần biết về phương pháp IUI

IUI hay thường được gọi là kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung là một phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó tinh trùng đã được xử lý sẽ được bơm trực tiếp vào buồng tử cung của người phụ nữ. Đây là một kỹ thuật đơn giản và phổ biến, thường được áp dụng cho các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên. Quy trình thực hiện IUI bao gồm:

Bước 1: Kiểm tra sức khỏe

Đây là bước đầu tiên để xác định các cặp vợ chồng có đủ điều kiện thực hiện IUI hay không.

Nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào như tắc ống dẫn trứng, viêm nhiễm tử cung, hoặc tinh trùng quá yếu, bác sĩ có thể đề xuất một phương pháp khác phù hợp hơn.

Bước 2: Kích thích buồng trứng

  • Mục đích của bước này là giúp trứng phát triển tốt hơn, tăng cơ hội thụ thai.
  • Người vợ sẽ bắt đầu dùng thuốc (uống hoặc tiêm) từ ngày thứ 2-3 của chu kỳ kinh nguyệt. Trong suốt quá trình này, người bệnh sẽ được siêu âm từ 2-3 lần để theo dõi sự phát triển của nang noãn.
  • Khi nang noãn đạt kích thước 18-22mm, bác sĩ sẽ tiêm mũi hCG để kích thích rụng trứng. Thủ thuật bơm tinh trùng sẽ được thực hiện sau 36-38 giờ kể từ thời điểm tiêm mũi hCG.

Bước 3: Chọn lọc tinh trùng

Đây là bước quan trọng để đảm bảo chỉ sử dụng những tinh trùng khỏe mạnh .

Người chồng sẽ cung cấp mẫu tinh trùng trước khi bơm khoảng 2 giờ. Tinh trùng sẽ được lọc rửa bằng môi trường đặc biệt để loại bỏ tinh trùng yếu, bất động và tạp chất.

Chỉ các tinh trùng đạt tiêu chuẩn (di động nhanh, hình thái bình thường) sẽ được sử dụng cho quy trình IUI.

Bước 4: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung

Tinh trùng sau khi lọc rửa sẽ được đưa vào tử cung tại hai thời điểm quan trọng: 24 giờ và 48 giờ sau khi tiêm hCG. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông mỏng và chuyên dụng để nhẹ nhàng bơm tinh trùng vào tử cung.

Thủ thuật diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 5-10 phút, không gây đau đớn và không cần gây mê.

Bước 5: Thử thai

Sau khoảng 14 ngày kể từ khi thực hiện IUI, người vợ sẽ thử thai để xác định kết quả.

Nếu thử thai dương tính, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách dưỡng thai và lên lịch khám thai định kỳ.

Nếu không thành công, bác sĩ sẽ xem xét điều chỉnh phương pháp hoặc tiếp tục thực hiện chu kỳ IUI khác.

2. Giải đáp: IUI có hại cho sức khoẻ không?

Phương pháp bơm tinh trùng IUI một trong những giải pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến và hiệu quả đối với các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên, giống như bất kỳ can thiệp y học nào, IUI cũng tiềm ẩn một số rủi ro và cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Dưới đây là các nguy cơ mà các gia đình cần phải lưu ý:

2.1 Xảy ra tình trạng quá kích buồng trứng

Một phần quan trọng của quy trình IUI là sử dụng thuốc kích thích buồng trứng để thúc đẩy quá trình rụng trứng. Mặc dù thuốc này giúp tăng khả năng thành công của phương pháp, nhưng ở một số bệnh nhân, đặc biệt là những người nhạy cảm với thành phần thuốc, có thể xảy ra hiện tượng buồng trứng quá kích.

Triệu chứng điển hình bao gồm cảm giác căng tức ở vùng bụng dưới, đau âm ỉ, và đôi khi kèm theo mệt mỏi. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, khoảng 1% bệnh nhân có phản ứng quá mạnh với thuốc, dẫn đến tình trạng nguy hiểm, cần sự can thiệp y tế ngay lập tức. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải cân nhắc liều lượng thuốc phù hợp để hạn chế tối đa nguy cơ.

2.2 Nguy cơ mang thai đa thai

Một trong những tác dụng của việc kích thích buồng trứng là làm rụng nhiều trứng cùng lúc, đặc biệt khi sử dụng hormone hCG. Điều này làm tăng đáng kể tỷ lệ mang thai đa thai, có thể lên tới 30% ở các trường hợp thực hiện IUI.

Mang đa thai có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Đối với người mẹ, việc tử cung phải chịu áp lực lớn hơn có thể dẫn đến các biến chứng như sảy thai, sinh non hoặc nguy cơ băng huyết sau sinh. Đặc biệt, với những phụ nữ có tử cung yếu hoặc tiền sử bệnh lý, mang đa thai là một thách thức lớn.

2.3 Nguy cơ nhiễm trùng

Quá trình bơm tinh trùng yêu cầu sử dụng các dụng cụ y tế như catheter để đưa tinh trùng trực tiếp vào tử cung. Nếu dụng cụ này không được tiệt trùng cẩn thận hoặc kỹ thuật thực hiện không đảm bảo, nguy cơ tổn thương và nhiễm trùng tử cung rất cao.

Những tổn thương nhỏ do dụng cụ gây ra có thể dẫn đến chảy máu nhẹ ở tử cung, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể trở thành cánh cửa cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng ở tử cung hoặc âm đạo. Đây là một rủi ro nghiêm trọng cần được bác sĩ và bệnh nhân lưu ý kỹ lưỡng trước và sau khi thực hiện IUI.

3. Những điều cần làm khi thực hiện IUI

3.1 Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quá trình thụ thai sau IUI. Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là:

  • Protein: Có trong thịt gà, cá, trứng, đậu nành, giúp cung cấp năng lượng và hỗ trợ sự phát triển của phôi.
  • Axit folic: Có trong rau xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, giúp giảm nguy cơ dị tật thai nhi.
  • Omega-3: Có trong cá hồi, cá ngừ, hạt lanh, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và hệ thần kinh.
  • Ngoài ra, cần tránh các thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, hoặc thức ăn chế biến sẵn, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và ảnh hưởng đến cân bằng nội tiết tố.

3.2 Nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế vận động mạnh

Sau khi thực hiện IUI, cơ thể cần thời gian để phục hồi và thích nghi. Người bệnh không cần phải nằm nghỉ hoàn toàn, nhưng cũng không nên vận động mạnh. Các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ chậm rãi hoặc tập các bài tập giãn cơ đơn giản sẽ tốt hơn cho tuần hoàn máu, giúp hỗ trợ quá trình làm tổ của phôi trong tử cung.

Tuy nhiên, cần tránh các hoạt động có tính chất mạnh như chạy bộ, bơi lội, hoặc tập luyện thể thao cường độ cao. Những vận động này có thể làm tăng áp lực lên tử cung và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thụ thai. Quan hệ tình dục cũng nên hạn chế trong 2-3 ngày đầu sau IUI để tránh gây kích thích tử cung và giảm nguy cơ ảnh hưởng đến phôi.

3.3 Thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau

Một số người sau khi bơm tinh trùng có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau nhẹ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) không được khuyến khích, vì chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của phôi. Do đó, bất kỳ loại thuốc nào sử dụng trong giai đoạn này đều cần có sự hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ điều trị.

3.4 Bổ sung nội tiết tố

Sự can thiệp bằng thuốc kích thích rụng trứng đôi khi gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ. Điều này có thể dẫn đến những triệu chứng như thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, hoặc rối loạn kinh nguyệt. Để khắc phục, bác sĩ thường kê đơn các loại thuốc bổ sung nội tiết tố nhằm hỗ trợ điều chỉnh lại sự cân bằng trong cơ thể, giúp quá trình thụ thai và mang thai diễn ra thuận lợi hơn.

3.5 Theo dõi các dấu hiệu bất thường

Người bệnh cần chú ý quan sát cơ thể để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường sau khi bơm tinh trùng, chẳng hạn như:

  • Chảy máu âm đạo nhiều: đây có thể là dấu hiệu tổn thương tử cung hoặc viêm nhiễm.
  • Đau bụng dữ dội: có thể liên quan đến tình trạng buồng trứng quá kích hoặc nhiễm trùng.
  • Sốt cao hoặc mệt mỏi bất thường: đây là các dấu hiệu nhiễm trùng cần được xử lý ngay.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào như trên, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Những điều trên đây mong rằng có thể giải đáp được phần nào những băn khoăn của các gia đình về vấn đề này. Với sứ mệnh “Hạnh phúc ngập tràn – Đón con trọn vẹn”, Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn sẽ luôn đồng hành cùng các ba mẹ trên hành trình tìm được hạnh phúc của riêng mình.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN