Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BSCKII. Hồ Cao Cường – BSHTSS, Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn.

Chụp cắt lớp vi tính CT (Computed Tomography Scan – CT Scan) được đánh giá là một thành tựu vượt bậc trong chẩn đoán hình ảnh và trở thành cánh tay đắc lực cho các bác sĩ. Hiện nay kỹ thuật này được sử dụng phổ biến trong ngành y tế, giúp cho bác sĩ có thể khám và chẩn đoán bệnh một cách chính xác.

Chụp cắt lớp vi tính CT sẽ phát hiện những bệnh gì?
Chụp cắt lớp vi tính CT sẽ phát hiện những bệnh gì?

1. Tìm hiểu về chụp cắt lớp vi tính CT là gì?

Chụp cắt lớp vi tính CT là một kỹ thuật có sự kết hợp giữa máy tính và tia X, để tạo ra hình ảnh các cơ quan, xương và các mô cơ thể theo mặt cắt ngang. 

Những hình ảnh này cung cấp nhiều thông tin và chi tiết hơn so với hình ảnh X-quang, chúng thể hiện các mô mềm, mạch máu, cấu trúc xương như đầu, vai, xương sống, tim, thận,…

Quá trình này không mất quá nhiều thời gian và cũng không gây đau đớn cho người bệnh.

Chụp cắt lớp vi tính CT là một kỹ thuật có sự kết hợp giữa máy tính và tia X
Chụp cắt lớp vi tính CT là một kỹ thuật có sự kết hợp giữa máy tính và tia X

2. Chụp cắt lớp vi tính CT để làm gì

Chụp cắt lớp vi tính CT được ứng dụng rộng rãi vì nó không những có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực y tế, mà còn phục vụ cho việc chẩn đoán các chấn thương hoặc bệnh lý, hỗ trợ trong điều trị. Kỹ thuật này được sử dụng trong trường hợp sau:

  • Phát hiện, hỗ trợ lập kế hoạch theo dõi và điều trị bệnh ung thư.
  • Kiểm tra các chấn thương bên trong các bộ phận như đầu, xương và nội tạng.
  • Tình trạng xuất huyết trong do tai nạn,…
  • Phát hiện ra vị trí và nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng.
  • Tìm ra vị trí cục máu đông gây ra đột quỵ hoặc nơi bị xuất huyết.
  • Chẩn đoán các bệnh như bệnh động mạch vành, phình động mạch,…
  • Phát hiện và theo dõi các bệnh như viêm phổi, tắc mạch phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính,…
  • Chụp cắt lớp vi tính CT và X-quang được đánh giá là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến . Kỹ thuật CT được dùng để hỗ trợ quá trình sinh thiết, xạ trị và phẫu thuật các ca phức tạp như ở não, cấy ghép tạng,…
Chụp cắt lớp vi tính CT giúp phát hiện khối u hoặc huyết khối ở não
Chụp cắt lớp vi tính CT giúp phát hiện khối u hoặc huyết khối ở não

3. Tại sao chụp cắt lớp vi tính CT trở nên phổ biến

3.1 Ưu điểm

Phương pháp chụp cắt lớp vi tính CT này không gây đau, không xâm lấn, chụp được hầu hết toàn bộ các cơ quan bên trong cơ thể.

Các hình ảnh thể hiện chi tiết, sắc nét, đặc biệt là về phần cứng như xương, sọ não, những nơi mà các phương pháp khác như siêu âm, X-quang không thể làm được.

Thời gian thực hiện nhanh, thích hợp cho những trường hợp khẩn cấp.

Kỹ thuật này có thể áp dụng cho những bệnh nhân có cấy ghép kim loại ở bên trong cơ thể, mà phương pháp MRI chống chỉ định với trường hợp đặt máy tạo nhịp,…

3.2 Nhược điểm

Những tổn thương nhỏ hoặc các tổn thương ở vị trí khuất thì trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính CT khó nhìn thấy, trường hợp này cần chỉ định chụp MRI để tăng độ chính xác.

Kỹ thuật này sử dụng bức xạ liều thấp, rủi ro do phơi nhiễm bức xạ gia tăng. Nhìn chung, nguy cơ các tế bào ung thư phát triển do tiếp xúc với bức xạ là nhỏ.

Kỹ thuật CT không đau, không xâm lấn, ít rủi ro
Kỹ thuật CT không đau, không xâm lấn, ít rủi ro

4. Khi nào nên sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính CT

Chụp cắt lớp vi tính CT được chỉ định trong một số trường hợp sau đây:

  • Chẩn đoán các rối loạn ở cơ và xương, chẳng hạn như khối u ở xương hoặc gãy xương.
  • Xác định vị trí các khối u, huyết khối hoặc chỗ bị nhiễm trùng.
  • Hỗ trợ trong việc phẫu thuật, sinh thiết và xạ trị ung thư.
  • Phát hiện và theo dõi các bệnh lý nặng như bệnh tim, bệnh ung thư,…
  • Theo dõi quá trình điều trị hiệu quả, như bệnh tim, bệnh ung thư,…
  • Phát hiện một số chấn thương bên trong và tình trạng xuất huyết nội.

5. Quy trình chụp cắt lớp vi tính

5.1 Trước khi chụp CT

Việc đầu tiên, bệnh nhân cần phải được tháo bỏ tất cả các vật bằng kim loại trên cơ thể, như trang sức, kính, áo ngực có gọng kim loại và răng giả,…vì chúng sẽ gây nhiễu ảnh khi chụp.

Trường hợp, bệnh nhân đang có thai hoặc nghi ngờ mang thai phải thông báo cho nhân viên y tế, để đưa ra phương án lựa chọn thích hợp.

Bệnh nhân cũng cần phải thông báo cho bác sĩ nếu đang mắc một số bệnh như đái tháo đường, tĩnh mạch, hen suyễn, thận và dị một số loại thuốc.

Nếu bệnh nhân sử dụng cản quang thì cần ký vào bản cam kết tiêm thuốc trước khi thực hiện.

Cần nhịn ăn trước 4 – 6 giờ tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân có thể uống nước với lượng vừa phải trước khi chụp cắt lớp vi tính CT 2 giờ.

Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, nếu được yêu cầu chụp CT, bác sĩ có thể cho bé ngủ mà không cần phải tiêm thuốc, nhưng nếu phải dùng thuốc cản quang thì cần cho trẻ dùng an thần để tránh việc trẻ cử động khi tiêm thuốc.

Tùy vào vị trí cần chụp cắt lớp, người bệnh có thể được yêu cầu cởi trang phục hoặc mặc áo do bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân cần thực hiện các bước theo yêu cầu khi chụp CT
Bệnh nhân cần thực hiện các bước theo yêu cầu khi chụp CT

5.2 Trong khi chụp CT

Người bệnh nằm ngửa trên bàn trong phòng chụp hoặc nằm theo tư thế đặc biệt theo yêu cầu chẩn đoán.

Thời gian chụp cắt lớp vi tính CT thường kéo dài từ 3 – 5 phút, một số trường hợp ngoại lệ có thể kéo dài đến 45 phút, việc này sẽ được nhân viên y tế giải thích kỹ lưỡng.

Khi chụp bệnh nhân cần nằm yên. Nhưng nếu chụp vùng ngực, bụng, người bệnh nên nín thở theo hướng dẫn của người hướng dẫn.

Những bệnh nhân có sử dụng thuốc cản quang thường sẽ có cảm giác nóng dọc theo vùng mặt, cổ, ngực và tình trạng này có thể lan tới vùng bẹn trong vòng vài giây, điều cần làm là người bệnh nằm yên để có kết quả chụp .

5.3 Sau khi chụp CT

Đối với bệnh nhân không tiêm thuốc cản quang có thể hoạt động, ăn uống bình thường nếu không phải làm thêm các xét nghiệm khác.

Còn với bệnh nhân có tiêm thuốc cản quang, sau khi chụp vẫn phải giữ đường truyền ở tĩnh mạch và được đưa về phòng và theo dõi khoảng 30 phút, nếu không có bất thường thì nhân viên y tế sẽ tháo kim ra. 

Sau tháo kim, người bệnh cần giữ chặt vị trí tiêm khoảng 5 – 10 phút để tránh chảy máu. Trong vòng 24 giờ sau khi tiêm thuốc cản quang, người bệnh cần phải uống nhiều nước để đào thải thuốc ra ngoài.

Nếu gặp một số tình trạng như chóng mặt, buồn nôn, ngứa, phát ban, khó thở, sốt,…sau khi chụp cắt lớp vi tính CT thì người bệnh nên thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần để thăm khám và chẩn đoán tình trạng hiện tại.

5.4 Trả kết quả 

Sau khi hoàn thành, kết quả chụp cắt lớp vi tính CT sẽ được trả trong vòng 30 – 60 phút.

Một số trường hợp sẽ được trả kết quả lâu hơn khi bác sĩ cần hội chẩn.

Chụp cắt lớp vi tính CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác, giúp phát hiện nhiều bệnh lý trên các cơ quan khác nhau của cơ thể. 

Khi thực hiện, bệnh nhân nên thực hiện đúng theo hướng dẫn của y bác sĩ để có kết quả chẩn đoán chính xác .

Kết quả chụp cắt lớp vi tính CT sẽ được trả trong vòng 30 - 60p
Kết quả chụp cắt lớp vi tính CT sẽ được trả trong vòng 30 – 60p

6. Chụp cắt lớp vi tính CT thì tiêm thuốc cản quang khi nào?

Thuốc cản quang là thuốc được tiêm vào cơ thể để thấy rõ hơn một mô hoặc phần bị tổn thương. 

Thuốc này trong công thức có chứa i-ốt, làm cho những cấu trúc mô hoặc nơi tổn thương bắt thuốc sẽ có màu trắng sáng trên ảnh chụp CT, điều này giúp phân biệt nó với những cấu trúc khác xung quanh.

Những thuốc cản quang mới thường có độ dung nạp tốt, nhưng vẫn có một số tác dụng phụ có thể xảy ra, như đỏ mặt, buồn nôn và nôn, kích ứng, lạnh run hoặc sốt,… 

Bệnh nhân bị dị ứng với một loại thuốc cản quang chứa i-ốt sẽ sinh ra phản ứng khi tiêm. Người bệnh và bác sĩ phụ trách cần nhận được biết các triệu chứng dị ứng đó để tránh dùng loại đã bị dị ứng trước đó cho lần sau.

6.1 Chỉ định tiêm thuốc cản quang

Đa phần các trường hợp chụp cắt lớp vi tính CT phần bụng cần bơm thuốc cản quang, trừ trường hợp đã biết rõ nguyên nhân, chẳng hạn như đau quặn do sỏi niệu quản,…

Trường hợp nghi ngờ có khối u.

Các trường hợp viêm, áp xe thì cũng cần tiêm thuốc cản quang, trừ viêm phổi đã được chẩn đoán và không cần phân biệt với các bệnh lý khác.

Bệnh phình mạch, giả phình, dị dạng mạch máu, bóc tách động mạch,…

Ngoài ra, còn có một số trường hợp đặc biệt như tìm nguồn mạch nuôi của phổi, đánh giá vùng tái tưới máu của tổn thương, chẩn đoán mức độ vách hóa của tụ máu dưới màng cứng,…

Chụp cắt lớp vi tính CT giúp phát hiện một số tình trạng liên quan đến mạch máu
Chụp cắt lớp vi tính CT giúp phát hiện một số tình trạng liên quan đến mạch máu

6.2 Chống chỉ định của thuốc cản quang

Chống chỉ định tương đối với:

  • Suy gan, suy tim.
  • Suy thận độ III, IV. Trường hợp, nếu bắt buộc phải tiêm, bác sĩ cần lên kế hoạch chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
  • Người bị đa u tủy, nếu cần thì phải truyền dịch cho bệnh nhân.
  • Cơ địa dị ứng, trường hợp bắt buộc phải chụp cắt lớp vi tính CT để chẩn đoán bệnh thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng steroid trước khi chụp. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng kháng histamin.
  • Người bị một số bệnh mãn tính, như tiểu đường, cường giáp, hen suyễn, hồng cầu hình liềm,…
  • Người đang hoăc cho con bú.

Chống chỉ định tuyệt đối với: 

  • Người bị mất nước nặng.
  • Dị ứng với thành phần có trong thuốc.

7. Một số rủi ro khi chụp cắt lớp vi tính CT

Mặc dù chụp cắt lớp vi tính CT được đánh giá là một kỹ thuật hiện đại, nhưng nó cũng không thể tránh khỏi một số rủi ro có thể gặp trong quá trình thực hiện.

7.1 Nhiễm phóng xạ

Người bệnh tiếp xúc với bức xạ thì sẽ có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. 

Tuy nhiên người bệnh nên yên tâm rằng, khi thực hiện các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng khi chụp bằng phương pháp này thì lợi ích mang về sẽ lớn hơn nhiều so với rủi ro.

7.2 Gây ảnh hưởng cho thai nhi

Trường hợp, người bệnh đang mang thai sẽ không nên thực hiện chụp CT, vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. 

Cho nên, thai phụ sẽ được thực hiện một hình thức kiểm tra khác như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để tránh việc tiếp xúc giữa thai nhai với bức xạ.

7.3 Phản ứng với vật liệu tương phản

Khi nhắc đến những rủi ro khi chụp CT thì phải kể đến phản ứng với vật liệu tương phản. Các vật liệu này có thể gây ra các phản ứng dị ứng ở một số người bệnh, tuy nhiên hiếm khi xảy ra. 

Phần lớn các phản ứng dị ứng chỉ là ngứa, nổi mẩn đỏ, hiếm khi có trường hợp dị ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Các vật liệu tương phản có thể gây ra các phản ứng dị ứng ở một số người bệnh
Các vật liệu tương phản có thể gây ra các phản ứng dị ứng ở một số người bệnh

Bệnh viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện TIÊN PHONG trong lĩnh vực điều vô sinh hiếm muộn và nam học tại Sài Gòn.

Bệnh viện cung cấp các dịch vụ thăm khám chẩn đoán nguyên nhân vô sinh cho các cặp đôi “muộn con” và đánh giá sức khỏe cho những người đang có dự định mang thai.

Sở hữu đội ngũ bác sĩ chuyên môn dày dặn kinh nghiệm trong ngành, “mát tay”, giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công và rút ngắn con đường tìm con của các cặp đôi.

Hơn thế nữa, hệ thống máy móc ở đây tân tiện hiện đại, giúp cho các kết quả xét nghiệm trả về được chính xác hơn và góp phần cho các bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh nhanh hơn.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN

Nguồn tài liệu tham khảo:

  1. https://www.radiologyinfo.org/en/info/safety-hiw_04
  2. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/ct-scan/about/pac-20393675
  3. https://www.fda.gov/radiation-emitting-products/medical-x-ray-imaging/computed-tomography-ct