Vỡ tử cung nằm trong danh sách những biến chứng sản khoa nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và đe doạ tính mạng của mẹ và bé. Nguyên nhân nào khiến mẹ bầu bị vỡ tử cung và có cách nào xử trí trường hợp này không?

Vỡ tử cung - Một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm
Vỡ tử cung – Một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm

1. Tìm hiểu định nghĩa vỡ tử cung là gì?

Dựa theo tài liệu thống kế, cứ khoảng 5.000 ca sinh thì sẽ có 1 ca vỡ tử cung, mặc dù đây là tình trạng hiếm gặp nhưng lại gây nguy hiểm đến mạng sống của người bệnh. (1)

Vỡ tử cung – Uterine Rupture, là trường hợp lớp cơ tử cung bị nứt hoặc rách hoàn toàn mà không do phẫu thuật, khiến các yếu tố (bao gồm cả thai nhi) bị đẩy vào ổ bụng. 

Người mẹ trong quá trình mang thai hoặc khi sinh đều có thể gặp phải tình trạng vỡ tử cung, nhưng lại hiếm gặp trong giai đoạn mang thai. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường xuất phát từ mẹ bầu có sẹo mổ cũ hoặc tử cung bị dị dạng.

Vì là tình trạng hiếm gặp, nên vỡ tử cung chỉ chiếm khoảng 325/100.000 ca có tiền sử mổ lấy thai.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vỡ tử cung trung bình của thế giới là 5,3/10.000 ca sinh. Khoảng 3/10.000 ca sinh ở các nước đang phát triển và phát triển. Còn những đất nước kém phát triển, tỷ lệ mắc phải tai biến này cao hơn.

Vỡ tử cung là tình trạng lớp cơ tử cung bị nứt hoặc rách hoàn toàn mà không do phẫu thuật
Vỡ tử cung là tình trạng lớp cơ tử cung bị nứt hoặc rách hoàn toàn mà không do phẫu thuật

2. Các hình thái lâm sàng của tình trạng vỡ tử cung

Hình thái vỡ tử cung được chia thành hai giai đoạn là vỡ tử cung khi mang thai và trong khi chuyển dạ, bao gồm các loại như sau:

  • Vỡ tử cung hoàn toàn: niêm mạc tại tử cung đều bị vỡ, khiến buồng tử cung thông với ổ bụng dẫn đến tình trạng em bé và nhau thai đầy hoàn toàn vào ổ bụng.
  • Vỡ lớp dưới phúc mạc: xảy ra ở lớp niêm mạc và cơ tử cung, nhưng lớp phúc mạc vẫn còn nguyên vẹn.
  • Vỡ phức tạp: giống với trường hợp vỡ tử cung hoàn toàn, nhưng có đi kèm một số tổn thương khác những cơ quan xung quanh, chẳng hạn như mạch máu, bàng quang, trực tràng, niệu quản.
  • Vỡ do mẹ bầu có sẹo mổ cũ: tình trạng này là tại vết mổ cũ bị nứt một phần, gây chảy máu. Chỉ được phát hiện khi mổ lấy thai hoặc kiểm tra buồng tử cung sau sinh qua ngả âm đạo.

3. Lý do dẫn đến mẹ bầu bị vỡ tử cung

Dưới đây là những yếu tố khiến tình trạng vỡ tử cung dễ xảy ra với mẹ bầu, cụ thể là: (2)

3.1 Nguyên nhân từ người mẹ

Khung xương chậu và thai không cân xứng: trường hợp khung chậu hẹp, không tương xứng với kích thước của thai nhi, có xuất hiện khối u xơ hoặc u buồng trứng.

  • Có vết sẹo mổ cũ: gồm sẹo mổ lấy thai, mổ bóc tách nhân xơ, sẹo mổ dọc thân tử cung.
  • Người bệnh có tử cung dị dạng: tử cung một sừng, tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn.
  • Người có tiền sử đã từng sinh song thai, mang đa thai.
  • Sau sinh mổ có thai sớm
  • Phá, nạo hút thai nhiều lần.
  • Chấn thương mạnh ở vùng bụng.
Những người mẹ có vết sẹo mổ cũ rất dễ gặp tình trạng vỡ tử cung
Những người mẹ có vết sẹo mổ cũ rất dễ gặp tình trạng vỡ tử cung

3.2 Từ thai nhi

  • Kích thước thai nhi to hơn khung xương chậu.
  • Thai bị não úng thủy.
  • Thai nhi có ngôi bất thường như ngôi mông, ngôi ngang,…

3.3 Nguyên nhân từ quá trình sinh nở

  • Người thực hiện ca đỡ sinh không đủ điều kiện chuyên môn hoặc thao tác kỹ thuật chưa phù hợp.
  • Quá trình sinh nở kéo dài, gặp bất thường trong quá trình lọt xuống của thai nhi, độ giãn nở của xương chậu không đạt.
  • Tử cung co thắt bất thường, đặc biệt trong trường hợp có sử dụng thuốc kích thích co thắt.

4. Dấu hiệu nhận biết vỡ tử cung

Tuỳ vào từng cơ địa của mỗi sản phụ, phụ thuộc vào vị trí vỡ và mức độ của vết rách thì dấu hiệu nhận biết sẽ khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng đau bụng là dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất, nhưng lại ít độ tin cậy vì dễ nhầm lẫn với đau bụng do chuyển dạ.

Từ đó, các chuyên gia Sản khoa thường dựa vào một số dấu hiệu sau đây để xác định tình trạng vỡ tử cung:

4.1 Vỡ tử cung trong thai kỳ

  • Xuất huyết ở âm đạo ồ ạt.
  • Ngoài cơn gò, thai phụ bị đau bụng liên tục, dữ dội. Nhưng đôi khi xuất hiện đột ngột rồi giảm dần từ từ và mất đi.
  • Trương lực cơ tử cung giảm hoặc mất hoàn toàn.
  • Tại vị trí vết sẹo tử cung (nếu có) xuất hiện cơn đau đột ngột.
  • Người mẹ bị sốc, hạ huyết áp, mạch loạn và có thể không đo được.
  • Đầu thai nhi thụt ngược vào ống sinh.
  • Tim thai bất thường, đôi lúc không nghe được tim thai.
  • Trường hợp người mẹ bị vỡ tử cung hoàn toàn, dấu hiệu nhận biết là phần bụng của người mẹ bị biến dạng, có thể sờ thấy thai dưới da nhưng không sờ thấy đáy tử cung.
  • Với những người vừa sinh xong, có thể thông qua siêu âm có thể phát hiện bị vỡ tử cung, vết sẹo tử cung không còn nguyên vẹn hoặc băng huyết.
Thai phụ bị đau liên tục, xuất huyết ồ ạt là dấu hiệu của vỡ tử cung
Thai phụ bị đau liên tục, xuất huyết ồ ạt là dấu hiệu của vỡ tử cung

4.2 Triệu chứng dọa vỡ tử cung

Bên cạnh những dấu hiệu nhận biết vỡ tử cung khi chuyển dạ, thai phụ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu dọa vỡ, nếu được phát hiện kịp thời, có thể hạn chế được tình trạng vỡ tử cung.

  • Sản phụ cảm thấy đau quằn quại, kêu la dữ dội.
  • Tử cung có thể bị thắt lại ở giai đoạn muộn, còn gọi là vòng thắt Bandl.
  • Phần đoạn dưới tử cung rất mỏng và ấn vào thấy đau, ngôi thai bị phồng lên.
  • Hai dây chằng kết hợp với vòng Bandl sờ rõ và căng hay còn được gọi là Bandl-Frommel., nếu không được xử lý tử cung của người mẹ có thể vỡ ngay lập tức.
  • Khoảng cách giữa các cơn co ngắn, kéo dài, xuất hiện với cường độ mạnh.
  • Do thiếu oxy, tim thai trở nên bất thường, loạn nhịp, lúc nhanh, lúc chậm hoặc không đều.

4.3 Vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ

Vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ có những biểu hiện như sau:

  • Sản phụ bị đau dữ dội, vật vã.
  • Đoạn dưới tử cung căng mỏng, ấn vào sẽ đau và cảm giác như sắp vỡ.
  • Âm đạo xuất huyết có màu đỏ tươi.
  • Không còn hình ảnh dấu Bandl-Frommel.
  • Mất tiếng tim thai.
Vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ có thể dẫn đến mất tim thai
Vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ có thể dẫn đến mất tim thai

5. Cách chẩn đoán vỡ tử cung ở thai phụ

Trong quá trình theo dõi thai kỳ, các chuyên gia sẽ xem xét bệnh sử của mẹ bầu và các kết quả khám thai hiện tại để dự đoán các tai biến sản khoa có thể xảy ra.

Mẹ bầu có thể được yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán vào những tháng cuối của thai kỳ để bác sĩ xem xét khả năng mổ lấy thai hoặc sinh ngả âm đạo.

Bên cạnh đó, cần phân biệt tình trạng vỡ tử cung với các tai biến sản khoa khác như:

  • Bàng quang căng tức do đầy nước tiểu.
  • Nhau tiền đạo: không phải dấu hiệu vỡ tử cung, vì chỉ có xuất huyết, cơn co tử cung không mạnh. Khám âm đạo có thể thấy một phần hoặc toàn bộ bánh nhau khi cổ tử cung mở.
  • Nhau bong non: có hiện tượng chảy máu âm đạo loãng, không đông, tử cung sờ vào thấy cứng.

6. Có phương pháp nào điều trị vỡ tử cung?

Trường hợp người mẹ bị dọa vỡ hay vỡ tử cung đều phải tiến hành mổ lấy thai gấp. Người bệnh cần được bù lại lượng máu đã mất, truyền dịch trong và sau phẫu thuật.

Tùy theo tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, mức độ vỡ tử cung và kế hoạch mang thai trong tương lai, bác sĩ sẽ quyết định bảo tồn hoặc cắt tử cung trong quá trình mổ cấp cứu.

  • Bảo tồn tử cung: được áp dụng cho mẹ bầu còn trẻ tuổi, có nguyện vọng mang thai trong tương lai và đảm bảo tình trạng vỡ không phức tạp và không nhiễm khuẩn.
  • Cắt tử cung: được chỉ định trong trường hợp người mẹ đã lớn tuổi, sinh nhiều lần, có tình trạng nhiễm khuẩn nặng hoặc không còn mong muốn mang thai trong tương lai. Đây là phương pháp hiệu quả giúp người mẹ cầm máu và tăng khả năng hồi phục.
  • Trường hợp vết tử cung vỡ trong tình trạng phức tạp thì điều cần làm là kiểm tra các cơ quan lân cận như bàng quang, niệu quản, xem có bị tổn thương không để kịp thời xử lý. Người mẹ phải dùng kháng sinh liều cao và được chăm sóc hậu phẫu kỹ lưỡng hậu phẫu.
Ngôi thai bất thường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vỡ tử cung
Ngôi thai bất thường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vỡ tử cung

7. Tính nghiêm trọng của vỡ tử cung

Trường hợp người mẹ bị vỡ tử cung nếu không được phát hiện kịp thời thì sức khỏe cũng như mạng sống của mẹ và bé đều bị tác động trực tiếp, cụ thể là: (3)

7.1 Với mẹ bầu

  • Vỡ tử cung có nguyên nhân khiến người mẹ dễ bị sốc vì mất máu quá nhiều. Nhưng nếu được cấp cứu và truyền máu kịp thời thì tình trạng này sẽ được kiểm soát tốt.
  • Trường hợp người mẹ bị vỡ tử cung hoàn toàn hoặc trong tình trạng phức tạp, khả năng buồng tử cung bị cắt bỏ sẽ rất cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện thiên chức làm mẹ trong tương lai.

7.2 Với thai nhi

  • Vỡ tử cung không chỉ đe dọa đến tính mạng của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự sống của thai nhi. Trường hợp tử vong có liên quan đến vỡ tử cung ở trẻ chiếm gần 7%. 
  • Chính vì thế, khi nghi ngờ mẹ bị vỡ tử cung, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thực hiện mổ lấy thai khẩn cấp để cứu sống thai nhi và mẹ.

7.3 Một số tổn thương liên quan khác

  • Trong quá trình mổ cấp cứu để xử lý vỡ tử cung, có thể gây tổn thương đến những vùng lân cận như bàng quang, trực tràng, các mạch máu và niệu quản.
Vỡ tử cung là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nhất
Vỡ tử cung là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nhất

8. Có cách nào giúp mẹ bầu phòng ngừa tình trạng vỡ tử cung?

Để giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn và phòng ngừa các tai biến sản khoa trong đó có vỡ tử cung, các chuyên gia khuyến cáo người mẹ nên chú ý và thực hiện tốt những điều sau đây:

  • Giữ lối sống tích cực, thoải mái, tránh căn thẳng trong suốt thời gian mang thai.
  • Theo dõi thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ đều đặn, giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và có hướng can thiệp kịp thời, hiệu quả.
  • Trường hợp cơ thể của người mẹ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được xử lý kịp thời.
  • Phụ nữ có tiền sử sinh mổ, có vết sẹo mổ cũ trên tử cung cần phải sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất 1 năm sau sinh.
  • Đối với những người mẹ nằm trong nhóm có nguy cơ cao dễ bị vỡ tử cung như có sẹo mổ cũ, tử cung dị dạng,… nên lựa chọn cơ sở y tế có những bác sĩ Sản khoa giỏi để chăm sóc thai kỳ một cách an toàn và khỏe mạnh.

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện sở hữu đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tu nghiệp ở nước ngoài, luôn cập nhật kỹ thuật mới, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn.

Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu 100% từ nước ngoài, được kiểm định thường xuyên, giúp cho các kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị cho các cặp đôi.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN

Nguồn tài liệu y khoa tham khảo:

  1. Uterine Rupture. (2024). Retrieved 28 June 2024, from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24480-uterine-rupture
  2. Brandon M. Togioka. Uterine Rupture. (2024). Retrieved 28 June 2024, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559209/
  3. Written by WebMD Editorial Contributors. What Is Uterine Rupture?. (2024). Retrieved 28 June 2024, from https://www.webmd.com/baby/what-is-uterine-rupture