Băng huyết sau sinh là một trong những biến chứng sản khoa nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của tính mạng của sản phụ. Tình trạng này thường gặp ở những người phụ nữ sau sinh một tháng. Việc nhận biết các dấu hiệu của tình trạng này sẽ giúp đảm bảo được sức khỏe của người mẹ được an toàn.

Băng huyết sau sinh - Dấu hiệu nhận biết & Cách phòng ngừa
Băng huyết sau sinh – Dấu hiệu nhận biết & Cách phòng ngừa

1. Tìm hiểu khái niệm về băng huyết sau sinh?

Băng huyết sau sinh hay Postpartum Hemorrhage là tình trạng khi thai phụ mất trên 500ml máu sau khi sinh thường hoặc trên 1000ml máu sau khi sinh mổ. (1)

Đây là hiện tượng xảy ra một cách đột ngột và ồ ạt hoặc từ từ và âm thầm. Nhưng các chuyên gia sản khoa cho rằng phương pháp ước tính lượng máu mất này có thể mang tính chủ quan và không chính xác hoàn toàn.

Bên cạnh đó, lượng máu mất trong trường hợp này đều ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh với từng mức độ khác nhau. Chẳng hạn, một sản phụ tầm 50kg so với người nặng 60kg mức độ ảnh hưởng sẽ khác.

Ngoài ra, ở những người mẹ mang thai đơn cũng sẽ có phản ứng khác với sản phụ mang thai đôi hoặc đa thai. Do đó, băng huyết sau sinh có thể được xác định dựa trên các yếu tố như mạch thay đổi, huyết áp bất thường, lượng nước tiểu và chỉ số Hematocrit.

Tất cả những thai phụ từ 20 tuần trở lên đều có nguy cơ bị băng huyết sau sinh. Mặc dù hiện tại tỷ lệ tử vong do tình trạng này giảm đáng kể, nhưng ở nước đang phát triển hoặc chậm phát triển thì đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Băng huyết sau sinh là tình trạng thai phụ mất 500 - 1000ml máu sau sinh
Băng huyết sau sinh là tình trạng thai phụ mất 500 – 1000ml máu sau sinh

Băng huyết sau sinh được chia làm hai loại sau:

  • Băng huyết sau sinh nguyên phát: thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh.
  • Băng huyết thứ phát: xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau sinh, hoặc lâu hơn. Băng huyết sau sinh từ 1 – 3 tháng sau sinh là một tình trạng nghiêm trọng. Theo thống kê, 2/100 sản phụ sẽ có nguy cơ bị băng huyết sau sinh thứ phát cao.

2. Tại sao sản phụ lại bị băng huyết sau sinh?

Quá trình chuyển dạ của mẹ bầu trải qua ba giai đoạn chính: xóa mở cổ tử cung, sổ thai và sổ nhau – cầm máu. 

Sau khi em bé được sinh ra, tử cung của người mẹ bắt đầu co lại để giảm kích thước. Nhưng do nhau thai không có tính đàn hồi, sự co thắt của tử cung sẽ làm cho nhau thai bong ra khỏi vị trí bám. Máu từ nơi nhau bám chảy ra, hình thành khối máu tụ sau nhau thai và chính khối máu tụ này sẽ đẩy nhau thai ra ngoài nhờ các cơn co thắt của tử cung.

Sau khi nhau thai được đào thải ra ngoài, tử cung của người mẹ sẽ bắt đầu co thắt. Các sợi cơ trong tử cung co rút, tạo ra các nút thắt sinh lý tại vị trí nhau bám, máu sẽ ngừng chảy nhờ cơ chế đông máu trong cơ thể. Tuy nhiên, khi có sự bất thường khiến tử cung không co lại được hoặc nhau thai không bong hoàn toàn, tình trạng băng huyết sau sinh có thể xảy ra.

Tử cung bất thường, nhau thai bong ra không hoàn toàn gây băng huyết sau sinh
Tử cung bất thường, nhau thai bong ra không hoàn toàn gây băng huyết sau sinh

Sau đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng băng huyết sau sinh:

2.1 Đờ tử cung

Chiếm đến 80% nguyên nhân gây ra tình trạng băng huyết sau sinh, xảy ra khi tử cung không thể co lại sau khi sinh, khiến máu vẫn chảy tự do và dẫn đến mất máu nghiêm trọng, nguyên nhân thường là do:

  • Tình trạng chuyển dạ diễn ra quá nhanh hoặc kéo dài.
  • Sự căng giãn quá mức hoặc quá to ở tử cung của người mẹ.
  • Người mẹ sử dụng Oxytocin hoặc thuốc gây mê toàn thân khi chuyển dạ
  • Người mẹ bị nhiễm trùng ối, thiếu máu hoặc suy nhược khi mang thai.
  • Sản phụ bị rối loạn đông máu, hoặc mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi).
  • Nhau thai bất thường: bám thấp, nhau cài răng lược hoặc nhau tiền đạo. Ngoài ra, diện tích bánh nhau lớn, khi bong ra cũng có thể dẫn đến mất máu.

2.2 Hệ sinh dục bị tổn thương

Thai phụ bị vỡ hoặc rách ở tử cung, âm đạo khi sinh thường hoặc sinh mổ cũng có thể gây băng huyết sau sinh. Các biến chứng này thường xuất hiện do thai phụ sinh khó và cần sự can thiệp thủ thuật hoặc đẻ rơi, sinh quá nhanh cũng gây tổn thương đến đường sinh dục.

2.3 Rối loạn đông máu

Tình trạng này thường gặp trong các trường hợp như nhau bong non, thai lưu, nhiễm trùng. Mức độ mất máu và khả năng phục hồi sức khỏe sẽ quyết định mức độ nghiêm trọng của tình trạng băng huyết sau sinh.

Rối loạn đông máu là tình trạng thường gặp trong băng huyết sau sinh do mất máu quá nhiều
Rối loạn đông máu là tình trạng thường gặp trong băng huyết sau sinh do mất máu quá nhiều

3. Băng huyết sau sinh: triệu chứng & biến chứng

Triệu chứng và biến chứng của tình trạng băng huyết sau sinh sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của sản phụ và thời điểm xảy ra băng huyết.

3.1 Triệu chứng của băng huyết sau sinh

Dù là sinh thường hay sinh mổ thì triệu chứng của tình trạng băng huyết sinh gồm những dấu hiệu sau đây: (2)

  • Sản phụ xuất huyết từ đường sinh dục ngay sau khi em bé và nhau thai đã ra ngoài một cách ồ ạt. Máu có thể chảy ra ít hoặc nhiều, có thể là màu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu loãng hoặc máu cục. Máu bị ứ lại trong tử cung làm bộ phận này tăng thể tích, khiến đáy tử cung cao lên, to và mềm nhão.
  • Huyết áp của sản phụ giảm nhanh: da xanh xao, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
  • Nhịp tim tăng nhanh.
  • Cơ thể luôn trạng thái khát nước
  • Chỉ số hồng cầu giảm đáng kể
  • Âm đạo và các vùng xung quanh bị sưng.
Nhịp tim tăng, huyết áp giảm là dấu hiệu điển hình của tình trạng băng huyết sau sinh
Nhịp tim tăng, huyết áp giảm là dấu hiệu điển hình của tình trạng băng huyết sau sinh

3.2 Băng huyết sau sinh gây ra những biến chứng gì?

Tùy vào mức độ mất máu và khả năng hồi sức, cũng như hiệu quả của quá trình cầm máu, băng huyết sau sinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng, từ nhẹ đến nặng:

  • Sốc do giảm thể tích tuần hoàn.
  • Suy thận, suy đa tạng.
  • Tử vong trong trường hợp nặng.
  • Nhiễm trùng hậu sản: băng huyết sau sinh là một yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng.

Trong dài hạn, các biến chứng có thể bao gồm:

  • Viêm tắc tĩnh mạch.
  • Thiếu máu nặng.
  • Hội chứng Sheehan do tuyến yên hoại tử.
  • Nghiêm trọng nhất là sản phụ bắt buộc phải cắt bỏ tử cung và khả năng cao mất khả năng mang thai trong tương lai.

Khi sản phụ bắt đầu xuất hiện triệu chứng và biến chứng của tình trạng băng huyết sau sinh, bắt buộc sản phụ phải được can thiệp các thủ thuật y khoa kịp thời và chính xác để đảm bảo an toàn tính mạng cho sản phụ.

Mất khả năng mang thai là một trong những biến chứng nghiêm trọng của băng huyết sau sinh
Mất khả năng mang thai là một trong những biến chứng nghiêm trọng của băng huyết sau sinh

4. Điều trị băng huyết sau sinh bằng phương pháp nào?

Băng huyết sau sinh là tình trạng sau khi sinh em bé và sổ nhau người mẹ bị chảy máu ồ ạt và có thể gây mất máu nghiêm trọng. Triệu chứng và phương pháp điều trị băng huyết còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.

4.1 Nguyên nhân do đờ tử cung

Dấu hiệu nhận biết:

  • Xuất huyết ngay sau khi nhau thai bong tróc ra ngoài.
  • Tử cung giãn to, cấu trúc mềm nhão, co giãn kém, không có khối an toàn.
  • Gây choáng nếu không cấp cứu kịp thời.

Phương pháp điều trị:

  • Xoa bóp và cho thai phụ sử dụng thuốc tăng co bóp để kích thích tử cung co thắt, như Oxytocin, Methylergonovine, Prostaglandin. (3)
  • Truyền máu và truyền dịch.
  • Trường hợp nặng, cần phải can thiệp phẫu thuật kẹp mạch máu tử cung hoặc cắt tử cung nếu các phương pháp kia không hiệu quả.
Oxytocin sẽ được chỉ định trong điều trị băng huyết sau sinh
Oxytocin sẽ được chỉ định trong điều trị băng huyết sau sinh

4.2 Nguyên nhân do bánh rau bất thường

Dấu hiệu nhận biết:

  • Chảy máu ngay sau khi sổ nhau, tử cung co thắt kém, máu chảy rỉ rả, máu đỏ tươi có lẫn máu cục do sót nhau.
  • Nhau không bong sau khi sổ thai khoảng 30 phút, nhau cài răng lược bán phần hoặc toàn phần.

Phương pháp điều trị:

  • Truyền dịch, cho người bệnh sử dụng thuốc giảm đau, kiểm soát tử cung, dùng kháng sinh toàn thân, theo dõi mạch tượng, tình trạng chảy máu và độ co thắt của tử cung. Hồi sức truyền máu nếu sản phụ xuất hiện tình trạng thiếu máu cấp.
  • Nhau không bong: tiến hành bóc nhau và kiểm soát tử cung, hồi sức chống choáng, cho sử dụng kháng sinh. Cần phải cắt tử cung nếu nhau cài răng lược.

4.3 Nguyên nhân do chấn thương đường sinh dục

Dấu hiệu nhận biết:

  • Mặc dù tử cung của sản phụ co hồi tốt nhưng máu đỏ tươi vẫn chảy ra ngoài âm đạo.
  • Tìm thấy vết rách và máu tụ đường sinh dục.

Phương pháp điều trị:

  • Khâu đường sinh dục.
  • Trường hợp có máu tụ, tùy theo vị trí, kích thước của khối máu tụ để xử lý.
Nếu băng huyết sau sinh do chấn thương đường sinh dục sẽ tiến hành khâu lại
Nếu băng huyết sau sinh do chấn thương đường sinh dục sẽ tiến hành khâu lại

4.4 Nguyên nhân do rối loạn đông máu

Dấu hiệu nhận biết:

  • Xảy ra do các bệnh về máu hoặc do mất sinh sợi huyết.
  • Đông máu có thể kết hợp với tiền sản giật nặng, thai chết trong tử cung, nhau bong non, nhiễm trùng ối,…

Phương pháp điều trị:

  • Truyền máu và điều trị nguyên nhân gây rối loạn đông máu.
  • Tuỳ vào cơ địa mỗi người mà các triệu chứng và biến chứng có thể khác nhau và cần được xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho sản phụ.

5. Cách phòng ngừa băng huyết sau sinh

Để giảm tỷ lệ tử vong do tình trạng băng huyết sau sinh, việc dự phòng là rất quan trọng. Sau đây là một số nguyên tắc ngăn ngừa tình trạng này: (4)

  • Theo dõi quá trình chuyển dạ: các nhân viên y tế phải theo dõi chặt chẽ các chỉ số trên máy monitoring như tim thai, cơn gò tử cung và sự xóa mở tử cung.
  • Tiêm Oxytocin (10 IU) ngay sau khi sinh để giảm nguy cơ băng huyết.
  • Sử dụng kháng sinh: giúp phòng ngừa nhiễm trùng ối.
  • Chấm dứt thai kỳ sớm để tránh các biến chứng thai kỳ.
  • Kiểm soát thuốc mê và giảm đau: trong quá trình chuyển dạ cần quản lý cẩn thận khi cho thai phụ sử dụng các loại thuốc mê, thuốc tê và thuốc giảm đau.
  • Kiểm soát tình trạng rối loạn đông máu dựa trên kết quả xét nghiệm và tiền sử bệnh lý. Thăm khám chuyên khoa nội huyết học khi cần thiết để có phương án điều trị phù hợp.
Theo dõi các chỉ số trên máy monitoring để có thể phát hiện kịp thời các bất thường
Theo dõi các chỉ số trên máy monitoring để có thể phát hiện kịp thời các bất thường
  • Tránh thực hiện các thủ thuật sinh đẻ nếu không có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ chuyên khoa sản và đảm bảo đỡ đẻ đúng kỹ thuật.
  • Tìm và xử lý ngay các nguyên nhân gây ra cơn gò tử cung bất thường nên tiến hành mổ lấy thai nếu sinh thường không an toàn.
  • Kiểm tra kỹ lưỡng nhau thai và rà soát lòng tử cung nếu nghi ngờ sót nhau và tiến hành kiểm tra vết mổ cũ và đường sinh dục nếu có thủ thuật cắt tầng sinh môn.
  • Lập kế hoạch mang thai: giúp người mẹ có thời gian hồi phục sau mỗi lần sinh bằng cách đặt vòng hoặc dùng thuốc tránh thai.
  • Thực hiện khám thai định kỳ và bổ sung sắt, acid folic theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa thiếu máu và hạn chế biến chứng của tình trạng băng huyết.
  • Theo dõi sát sao các sản phụ có nguy cơ bị băng huyết sau sinh cao ít nhất 6 giờ/lần, mục đích là để phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện sở hữu đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tu nghiệp ở nước ngoài, luôn cập nhật kỹ thuật mới, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn.

Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu 100% từ nước ngoài, được kiểm định thường xuyên, giúp cho các kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị cho các cặp đôi.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN

Nguồn tài liệu y khoa tham khảo:

  1. Postpartum Hemorrhage. (2024). Retrieved 24 June 2024, from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22228-postpartum-hemorrhage
  2. Postpartum hemorrhage. (2024). Retrieved 24 June 2024, from https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/postpartum/postpartum-hemorrhage
  3. Kelly C. Wormer. Acute Postpartum Hemorrhage. (2024). Retrieved 24 June 2024, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499988/
  4. Postpartum Hemorrhage. (2024). Retrieved 24 June 2024, from https://www.chop.edu/conditions-diseases/postpartum-hemorrhage