Cảnh báo nguy hiểm đến từ u nang buồng trứng
Tư vấn chuyên môn Bài Viết
BSCKII. HỒ CAO CƯỜNG
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn
U nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa khá phổ biến ở nữ giới. U nang buồng trứng đa số lành tính, tuy nhiên nếu chủ quan, có thể chuyển biến thành ung thư buồng trứng – bệnh lý cực kỳ nguy hiểm.
1. Tìm hiểu về u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa thường gặp, xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Từ bé gái chưa trưởng thành đến tuổi mãn kinh hay kể cả phụ nữ mang thai đều có nguy cơ mắc u nang buồng trứng. Theo thống kê, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh lý này chiếm khoảng 5 – 10%.
Khối u nang chứa chất dịch hoặc chất rắn giống như bã đậu, phát triển bất thường ở bên trên hoặc bên trong buồng trứng của phụ nữ. Các mô của buồng trứng cũng có khả năng phát triển thành u nang buồng trứng.
2. U nang buồng trứng có mấy loại?
Tuỳ thuộc vào cấu tạo và tính chất, u nang buồng trứng được chia thành 2 loại chính đó là: u nang cơ năng và u nang thực thể.
2.1 U nang cơ năng
U nang cơ năng được sinh ra khi hoạt động nội tiết của buồng trứng bị rối loạn. U nang cơ năng có 3 dạng phổ biến:
Nang bọc noãn: các nang noãn dù đã trưởng thành nhưng lại không vỡ và không rụng. Chúng cứ tiếp tục phát triển dần theo thời gian, kích thước có thể lên đến 8cm và cản trở chu kỳ kinh nguyệt của chị em.
Nang hoàng thể: hoàng thể vẫn phát triển bình thường sau phóng noãn nhưng lại tạo ra các nang có vỏ mỏng nhưng chứa đầy dịch bên trong. Các nang này gây ra đau đớn và khiến vùng chậu của nữ giới bị chảy máu.
Nang hoàng tuyến: phổ biến ở những thai phụ bị thai trứng hoặc ung thư nguyên bào nuôi.
2.2 U nang thực thể
U nang thực thể khá nguy hiểm vì nó có thể biến chứng thành ung thư. U nang thực thể có các dạng sau:
U nang nước: đây là dạng chị em hay gặp nhất. U nang nước có vỏ mỏng chứa đầy dịch bên trong. Đa số đều lành tính. Tuy nhiên nếu trên bề mặt vỏ bọc xuất hiện nhiều mạch máu hay có các nhú trên bề mặt hoặc trong lòng u lại khá nguy hiểm. Bởi nó là dấu hiệu nghi ngờ ung thư.
U nang bì: có thể gặp ở mọi lứa tuổi và khá lành tính. U nang bì có cấu tạo giống như một lớp sừng, bên trong chứa tóc, xương hoặc răng.
U nang nhầy: trong các khối u buồng trứng, u nang nhầy chiếm khoảng 20% và kích thước khá lớn. Bên trong nang nhầy chứa rất nhiều dịch màu vàng, kết cấu đặc và thường dính với các tạng xung quanh.
Nang lạc nội mạc buồng trứng: phát triển ngay trên bề mặt của buồng trứng, nó phá huỷ các mô lành. U nang lạc nội mạc có vỏ khá mỏng, bên trong chứa dịch có màu nâu giống chocolate và dính vào các tổ chức xung quanh. Nếu u phát triển với số lượng nhiều, có thể khiến vòi trứng bị tắc nghẽn.
3. Nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng
BSCKII. Hồ Cao Cường – Giám đốc Chuyên môn Bệnh Viện HTSS & Nam Học Sài Gòn chia sẻ một số yếu tố khiến chị em tăng nguy cơ bị u nang buồng trứng đó là:
- Chị em bị lạc nội mạc tử cung, chúng phát triển bên ngoài tử cung nhưng có một số mô lại xuất hiện ở buồng trứng.
- Vùng chậu bị viêm khiến vi khuẩn lan đến buồng trứng gây nhiễm trùng. Từ đó hình thành nên u nang.
- Yếu tố di truyền: trong gia đình có mẹ hoặc chị gái từng bị u nang buồng trứng.
- Lạm dụng thuốc tránh thai.
- Ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh.
- Chế độ ăn ít chất xơ.
- Áp lực và căng thẳng từ công việc và cuộc sống.
4. Dấu hiệu u nang buồng trứng
Bởi vì 90% u nang buồng trứng là khối u lành tính, chỉ có khoảng 10% phát triển thành ác tính và chúng diễn biến âm thầm, dấu hiệu mơ hồ dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên nhiều chị em phụ nữ không quá để tâm.
Tuy nhiên, chị em hãy chủ động theo dõi sức khoẻ sinh sản của bản thân, nếu nhận thấy có một hoặc vài dấu hiệu dưới đây, chị em nên tới các bệnh viện chuyên sản phụ khoa để kiểm tra. Các triệu chứng thường gặp, đó là:
Xuất hiện các cơn đau ở vùng chậu, thắt lưng hoặc đùi: các cơn đau này thường không rõ ràng, xuất hiện rồi biến mất ngay sau đó. Nếu cơn đau tái phát thường xuyên hơn, chị em nên tiến hành thăm khám bởi có thể các khối u phát triển chèn ép lên cơ quan hoặc dây thần kinh chạy dọc sau xương chậu gây ra cảm giác đau.
Bụng dưới căng tức, đau và buồn nôn: một số khối u có kích thước lớn sẽ gây khó chịu tức thì cho người bệnh. Nếu khối u to quá, người bệnh còn sờ được thấy khối u. Nếu triệu chứng đầy hơi và buồn nôn ngày một nhiều hơn thì chị em nên cảnh giác bởi có thể u nang đã xuất hiện các tế bào ác tính.
Do khối u chèn ép lên bàng quang nên bệnh nhân đi tiểu thường xuyên. Khi tiểu chị em có thể thấy buốt và đau rát nhẹ.
Cảm thấy đau khi quan hệ tình dục.
Chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
Các trường hợp u phát triển quá nhanh khiến cho bụng to và chướng nhưng cân nặng lại sụt giảm, không còn cảm giác thèm ăn là dấu hiệu cảnh bảo có thể xuất hiện khối u ác tính cần phải đi khám ngay.
5. U nang buồng trứng ở cả 2 bên có nguy hiểm không?
Như đã đề cập ở trên, các khối u nang ở buồng trứng đều lành tính và vô hại, nó sẽ tự biến mất theo thời gian. Mặc dù vậy, vẫn có một số trường hợp u nang không hề mất đi mà âm thầm tiến triển, kéo dài nhiều năm và chèn ép vào các cơ quan nội tạng. Từ đó gây ra các biến chứng rất nguy hiểm có thể kể đến như:
Xoắn u nang: đây là biến chứng xảy ra ở mọi khối u, đặc biệt là các khối u nhỏ, ngắn thì rất dễ bị xoắn. Khi u bị xoắn sẽ gây ra các cơn đau bụng dữ dội và dồn dập. Người bệnh liên tục cảm thấy buồn nôn và choáng váng. Khi khối u căng to, sờ vào bụng cũng xuất hiện cơn đau.
U nang buồng trứng bị vỡ: khi khối u phát triển quá to, áp lực dịch bên trong sẽ gây vỡ u nang. Trong một số trường hợp u nang vỡ khiến ổ bụng bị chảy máu hoặc bị nhiễm khuẩn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe doạ.
Chèn ép lên các cơ quan nội tạng: khi kích thước khối u lớn dần lên sẽ gây áp lực chèn ép vào cơ quan lân cận. Nếu khối u chèn ép vào bàng quang thì gây tiểu buốt, chèn vào trực tràng sẽ dẫn đến tình trạng táo bón. Khi khối u chèn ép tĩnh mạch chủ dưới sẽ khiến hệ tuần hoàn bàng hệ gây phù hai chi dưới và cổ trướng.
6. Các phương pháp điều trị u nang buồng trứng
6.1 Phẫu thuật nội soi cắt
Đây là phương pháp được sử dụng rất nhiều trong phẫu thuật điều trị u nang buồng trứng bởi không gây ra quá nhiều đau đớn mà thời gian hồi phục lại nhanh. Các trường hợp được chỉ định sử dụng phương pháp này đó là:
- U nang buồng trứng không nghi ngờ có tế bào ác tính.
- Kích thước khối u quá to và không quá dính.
- Bệnh nhân bị ung thư vú có chỉ định cắt buồng trứng.
6.2 Phẫu thuật mở bụng
Phương pháp này sẽ được chỉ định đối với những khối u lớn và bác sĩ nghi ngờ có tế bào ung thư. Phương pháp này sẽ cần nhiều thời gian hồi phục hơn so với phẫu thuật nội soi cắt. Khối u sau phẫu thuật sẽ được đem đi sinh thiết để xác định mô bệnh học của khối u.
7. Phòng ngừa u nang buồng trứng như thế nào?
Các khối u nang là tự phát, cho nên không có biện pháp nào có thể phòng ngừa u nang buồng trứng mà chỉ có thể làm giảm nguy cơ hoặc phát hiện sớm khối u để có phương pháp điều trị thích hợp. Do đó việc thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ là rất quan trọng bởi nó giúp các bác sĩ phát hiện ra sự bất thường từ sớm, từ đó mang lại hiệu quả điều trị cao và tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, giúp nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho từng bệnh nhân.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, chẩn đoán và điều trị chuẩn quốc tế, đảm bảo các xét nghiệm chính xác nhất, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Vì vậy ngay khi nghi ngờ hoặc phát hiện mình bị u nang buồng trứng, chị em cần đến ngay các bệnh viện uy tín để kiểm tra. Không nên trì hoãn vì vi khuẩn sẽ tiến triển rất nhanh, về lâu dài sẽ gây ra các ảnh hưởng xấu khác đến sức khoẻ.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|