Vai trò của Progesterone trong sức khoẻ sinh sản
Progesterone là một hormone quan trọng của phụ nữ, chúng tham gia vào quá trình điều hòa kinh nguyệt và duy trì thai kỳ. Vậy vai trò của Progesterone như thế nào.
1. Progesterone là gì
Progesterone là một trong những loại hormone sinh dục nữ, được tiết ra ở buồng trứng sau chu kỳ kinh nguyệt, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và sự phát triển của thai nhi. Nhiệm vụ chính của Progesterone là giúp tử cung luôn ở trạng thái sẵn sàng để mang thai.
Sau kỳ rụng trứng, hormone này giúp lớp nội mạc tử cung dày lên, sẵn sàng cho phôi làm tổ phát triển. Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra thì nồng độ Progesterone sẽ giảm xuống, tới khi lớp niêm mạc tử cung bong ra và xuất hiện kinh nguyệt. Nhưng nếu trứng được thụ tinh thành công, hormone này giúp duy trì độ dày của lớp nội mạc và cung cấp dinh dưỡng suốt thai kỳ.
Progesterone rất cần thiết cho sự phát triển tuyến vú, hợp tác hormone Estrogen trong quá trình tiết sữa. Không chỉ phụ nữ mới tiết Progesterone mà nam giới cũng tiết lượng nhỏ hormone này. Progesterone lúc này có vai trò quan trọng trong việc hình thành hormone sinh dục nam Testosterone được bài tiết ở tuyến thượng thận.
2. Vai trò của Progesterone
2.1 Điều hòa kinh nguyệt
Progesterone và Estrogen là hai hormone sinh dục nữ, thực hiện chức năng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài từ 28 – 31 ngày tùy vào cơ địa mỗi ngày. Theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ Progesterone cơ thể tiết ra là khác nhau, cụ thể:
Ở giai đoạn nang noãn nồng độ Progesterone trong huyết thanh khá thấp, chỉ 0,2 – 1,5 ng/ml. Khi nồng độ LH tăng cao chạm đỉnh, hiện tượng rụng trứng sẽ xảy ra, các tế bào hoàng thể trong nang noãn sẽ bị vỡ, tín hiệu tăng sản xuất Progesterone sau đó sẽ được gửi đi để đáp ứng với LH.
Ở giai đoạn hoàng thể thì nồng độ Progesterone sẽ tăng rất nhanh. Trước thời gian hành kinh khoảng 7 ngày, nồng độ Progesterone đạt đỉnh, cao hơn ở phụ nữ mang thai. Tùy thuộc vào việc trứng có được thụ tinh hay không, thì cơ quan sản xuất Progesterone sẽ nhận tín hiệu tương ứng. Nếu không thụ tinh được, nồng độ Progesterone sẽ giảm dần trong 4 ngày cuối của chu kỳ kinh nguyệt, đây là quá trình thoái hóa thể vàng.
Thể vàng duy trì giữ cho nồng độ Progesterone ở mức cao nếu trứng được thụ tinh. Nhau thai sẽ hình thành và tiết Progesterone để duy trì nồng độ hormone cao trong suốt thai kỳ. Lúc này, vai trò của Progesterone rất quan trọng đối với sức khỏe thai kỳ và sự phát triển của thai nhi.
2.2 Nuôi dưỡng thai nhi
Trong thời gian thai kỳ, Progesterone được duy trì ổn định ở mức cao để thực hiện nhiều chức năng như sau:
Progesterone có vai trò giống như một hormone an thai, giúp hạn chế các cơn co thắt tử cung, đảm bảo rằng cổ tử cung luôn được đóng kín, thai nhi làm tổ an toàn và ổn định trong tử cung.
Progesterone hỗ trợ quá trình làm tổ của phôi: sau khi được thụ tinh phôi sẽ di chuyển vào trong tử cung và bắt đầu giai đoạn làm tổ. Hormone Progesterone trước và trong quá trình này sẽ thực hiện nhiệm vụ kích thích niêm mạc tử cung phát triển dày hơn, đảm bảo điều kiện tốt nhất để cho phôi làm tổ.
Progesterone được duy trì nồng độ cao suốt thai kỳ nhờ nhau thai tiết ra, kể cả những ngày trước sinh, để bảo vệ thai nhi phát triển bình thường, ngăn ngừa co thắt tử cung và giảm thiểu tình trạng sinh non.
Progesterone đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thai: bằng cách tăng huyết động mạch và glycogen trong niêm mạc tử cung, Progesterone giúp thai nhi phát triển và đủ chất dinh dưỡng.
Progesterone tham gia vào quá trình tạo ra chất nhầy ở cổ tử cung, giúp cổ tử cung đóng kín và ngăn ngừa tác nhân gây bệnh từ bên ngoài có thể xâm nhập vào. Từ đó giúp bảo vệ thai nhi tránh sự gây hại của vi khuẩn.
2.3 Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh
Khi thai nhi phát đã được sinh ra, Progesterone của cơ thể mẹ cũng tham gia vào quá trình tạo sữa. Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng, giúp cho trẻ phát triển khỏe mạnh trong những tháng năm đầu tiên của cuộc đời.
3. Nguyên nhân tăng hoặc giảm lượng Progesterone
Progesterone sẽ tiếp tục tăng lên khi hiện tượng thụ tinh xảy ra hoặc giảm đi khi xuất hiện kinh nguyệt. Nếu nồng độ progesterone không tăng hoặc giảm mỗi tháng thì tình trạng này báo hiệu rằng bạn đang có vấn đề về rụng trứng, kinh nguyệt hoặc cả hai. Nếu không được phát hiện có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc là vô sinh ở nữ giới. Những nguyên nhân sau đây làm ảnh hưởng đến tình trạng tăng giảm lượng hormone Progesterone trong cơ thể nữ giới:
- Nhiễm độc do thai nghén, tiền sản giật, mang thai muộn
- Suy giảm chức năng của buồng trứng
- Vô kinh, tắc kinh
- Thai ngoài tử cung, sảy thai
Nguyên nhân khiến Progesterone tăng bất thường là:
- U nang buồng trứng
- Mang thai giả, mang thai không thành công
- Ung thư buồng trứng
- Progesterone bị sản xuất quá mức ở tuyến thượng thận
- Ung thư tuyến thượng thận
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH).
4. Thiếu Progesterone có gây nguy hiểm
Dưới đây là một số triệu chứng Progesterone thấp, đó là:
- Đau đầu hoặc đau nửa đầu
- Tâm trạng thay đổi, hay lo lắng hay trầm cảm
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Giảm ham muốn tình dục
- Chảy máu tử cung bất thường.
Người bị thiếu hụt hormone Progesterone có nguy cơ bị thai ngoài tử cung, sảy thai hoặc chết lưu. Trường hợp, không có Progesterone để bổ sung thì lúc này Estrogen có thể trở thành hormone chủ đạo, lượng Estrogen cao gây ra các triệu chứng như:
- Tăng cân không kiểm soát
- Giảm ham muốn tình dục
- Trầm cảm, lo âu
- Hội chứng tiền kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh
- Xơ nang tuyến vú
5. Khi nào cần xét nghiệm Progesterone
Nồng độ Progesterone sẽ thay đổi liên tục trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và trong quá trình mang thai. Progesterone quá thấp do chức năng buồng trứng kém, mãn kinh, sau mãn kinh. Xét nghiệm Progesterone giúp xác định khả năng rụng trứng và nghi ngờ thai phụ bị mang thai ngoài tử cung hoặc có nguy cơ sảy thai hay không.
Xét nghiệm Progesterone thường được chỉ định khi phụ nữ gặp các vấn đề khi mang thai hay về kinh nguyệt. Kết quả định lượng Progesterone giúp bác sĩ biết được bạn có dấu hiệu rụng trứng không, có bất thường gì về không. Từ đó sẽ góp phần chẩn đoán và quản lý vấn đề sinh sản.
6. Ý nghĩa của xét nghiệm Progesterone
Xét nghiệm nồng độ Progesterone trong huyết thanh theo đơn vị ng/mL, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả tiêu chuẩn mà chẩn đoán.
Nếu phụ nữ đang có kinh nguyệt thì nồng độ Progesterone sẽ thấp. Nhưng vài ngày sau rụng trứng thì nồng độ sẽ đạt đỉnh điểm và sau đó lại quay trở lại mức thấp, trừ khi bạn có thai thì nồng độ sẽ được duy trì ở mức cao.
Kết quả xét nghiệm Progesterone được xem là bình thường nếu các chỉ số này nằm trong phạm vi sau:
Nhỏ hơn hoặc bằng 1 ng/ml: phụ nữ sau mãn kinh, đầu chu kỳ kinh nguyệt hoặc đây là đàn ông.
- Từ 5 – 20 ng/ml giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Từ 15 – 60 ng/ml 3 tháng đầu của thai kỳ
- Từ 25.6 – 89.4 ng/ml 3 tháng giữa thai kỳ
- Từ 48.4 – 42.5 ng/ml 3 tháng cuối thai kỳ và sẽ giảm dần để cho em bé chào đời.
Nồng độ Progesterone dao động rất nhiều, không chỉ theo chu kỳ kinh nguyệt, mà trong ngày nồng độ này cũng đã thay đổi. Cho nên, dựa vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ đánh giá sức khỏe sinh sản của bạn có vấn đề tiềm tàng hay không.
7. Làm gì khi Progesterone thấp
Nồng độ Progesterone thấp thường sẽ không biểu hiện triệu chứng gì đáng ngại và có thể không cần điều trị. Nhưng nếu bạn mong muốn có con thì nên sử dụng liệu pháp hormone thay thế. Phương pháp này sẽ giúp làm tăng nồng độ Progesterone và làm dày niêm mạc tử cung, cơ hội mang thai sẽ được tăng lên và chào đón một thai kỳ khỏe mạnh.
Đối với phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt và chảy máu vùng kín bất thường, cũng có thể sử dụng liệu pháp hormone thay thế để cải thiện những triệu chứng này. Trường hợp điều trị các triệu chứng nghiêm trọng của thời kỳ mãn kinh, thì sẽ thường kết hợp cả Estrogen và Progesterone, bởi nếu chỉ dùng Estrogen mà không kèm Progesterone sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư nội mạc tử cung.
Các phương pháp bổ sung Progesterone bao gồm:
- Gel bôi: Sử dụng tại chỗ hoặc âm đạo;
- Thuốc đặt: sử dụng để điều trị Progesterone thấp
- Thuốc uống.
Phương pháp điều trị này chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Phụ nữ bị ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung
- Gặp các vấn đề về gan
- Huyết khối
- Có tiền sử bị đột quỵ
Ngoài ra, sử dụng liệu pháp hormone thay thế có thể gây một số tác dụng phụ, như đau tim, hình thành cục máu đông, vấn đề về túi mật và một số loại ung thư. Chính vì thế, trước khi dùng liệu pháp này người bệnh cần tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn cam kết cung cấp các dịch vụ khám và xét nghiệm tiền sản uy tín, chất lượng. Sở hữu đội ngũ y bác sĩ có hơn 10 năm kinh trong việc điều trị vô sinh hiếm muộn, đảm bảo nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|