TESE – Mở cánh cửa hy vọng trong điều trị vô sinh nam giới
Vô tinh là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nam, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản tự nhiên. Đối với nam giới không có tinh trùng trong tinh dịch, đặc biệt là do rối loạn sinh tinh, TESE (Testicular Sperm Extraction – phẫu thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn) đã trở thành một bước đột phá trong hỗ trợ sinh sản hiện đại. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin về kỹ thuật TESE giúp cánh mày râu hiểu rõ hơn về phương pháp này.

1. Khái niệm về phương pháp thủ thuật TESE
TESE là kỹ thuật lấy mẫu mô tinh hoàn để tìm kiếm tinh trùng trực tiếp trong trường hợp nam giới không có tinh trùng trong tinh dịch. Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp vô tinh không bế tắc (non-obstructive azoospermia – NOA), khi tinh hoàn sản xuất tinh trùng rất ít hoặc gián đoạn.
Kỹ thuật TESE cho phép thu thập tinh trùng sống để sử dụng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).
2. Phân loại phương pháp TESE
TESE có hai dạng, đó là:
- TESE thông thường (Conventional TESE): Lấy mẫu mô tinh hoàn ngẫu nhiên mà không cần phóng đại.
- Micro-TESE (Microsurgical TESE): Sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để tìm các ống sinh tinh chứa tinh trùng, từ đó tối ưu hóa khả năng thu được tinh trùng với tổn thương tối thiểu.

3. Khi nào cần thực hiện TESE?
Phương pháp TESE thường được các bác sĩ nam khoa chỉ định trong các trường hợp sau:
- Vô tinh không bế tắc do rối loạn chức năng sinh tinh.
- Hội chứng Klinefelter (Hội chứng siêu nữ, nam giới có nhiễm sắc thể XXY).
- Dị tật di truyền hoặc bất thường về gen liên quan đến sản xuất tinh trùng.
- Thất bại với các phương pháp như PESA hoặc MESA.
- Nam giới đã hóa trị hoặc xạ trị nhưng còn khả năng sinh tinh còn lại.
Bên cạnh đó, nam giới cần lưu ý một số trường hợp cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện TESE:
- Người bệnh có tinh hoàn teo nhỏ nặng, chỉ số hormone FSH rất cao (>20 IU/L), khả năng thu được tinh trùng rất thấp.
- Các bệnh lý toàn thân nặng, không thể thực hiện phẫu thuật.
- Nhiễm trùng cấp tính hoặc viêm tại vùng bìu.

4. Quy trình thực hiện kỹ thuật TESE
4.1 Chuẩn bị trước thủ thuật
Trước TESE, người bệnh cần:
- Khám tổng quát, đánh giá tiền sử sinh sản, bệnh lý nền.
- Xét nghiệm kiểm tra một số chỉ số hormone sinh dục (FSH, LH, Testosterone).
- Siêu âm tinh hoàn để xác định kích thước, cấu trúc và sự hiện diện của mô tinh hoàn.
- Xét nghiệm di truyền như phân tích nhiễm sắc thể đồ, tìm đột biến AZF trên nhiễm sắc thể Y.
- Bác sĩ sẽ tư vấn đầy đủ về khả năng thành công, nguy cơ và kế hoạch điều trị sau khi có kết quả TESE.
4.2 Quy trình kỹ thuật TESE
4.2.1 Gây mê
Thủ thuật TESE được thực hiện dưới gây mê toàn thân hoặc gây tê vùng thực hiện thủ thuật, đảm bảo người bệnh không đau đớn.
4.2.2 Tiến hành lấy mẫu
Bác sĩ sẽ:
- Rạch một đường nhỏ ở bìu để tiếp cận tinh hoàn.
- Tách lớp vỏ tinh hoàn (tunica albuginea) và lấy ra một hoặc nhiều mẫu mô.
- Sau đó, các mẫu mô sẽ được gửi ngay tới phòng Labo để kiểm tra dưới kính hiển vi xem có tinh trùng hay không.
4.2.3 Kiểm tra mẫu và kết thúc
Nếu tìm thấy tinh trùng, có thể sử dụng ngay cho ICSI hoặc trữ lạnh để sử dụng trong tương lai. Cuối cùng, tinh hoàn sẽ được khâu lại cẩn thận để phục hồi.

4.3 Chăm sóc sau thủ thuật
Sau TESE, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Nghỉ ngơi tại chỗ 4 – 6 giờ, sau đó có thể xuất viện trong ngày hoặc hôm sau.
- Hạn chế vận động mạnh, tránh đi lại nhiều trong 1 tuần đầu.
- Mặc đồ lót nâng đỡ bìu để giảm sưng đau.
- Người bệnh cần dùng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
5. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp TESE
5.1 Ưu điểm
- Cơ hội tìm tinh trùng cao ở nam giới NOA.
- Tinh trùng thu được sẽ được đem đi lọc rửa, sau đó có thể sử dụng cho ICSI.
- Với nhiều trường hợp vô tinh không bế tắc, TESE là phương pháp có thể mang lại khả năng sinh con bằng tinh trùng của chính mình.
5.2 Nhược điểm
- Tính xâm lấn: Là thủ thuật ngoại khoa nên có nguy cơ đau, sưng bìu, tụ máu sau phẫu thuật.
- Không phải lúc nào cũng tìm được tinh trùng: Dù thực hiện kỹ thuật tối ưu, vẫn có tỷ lệ thất bại khoảng 40 – 60% tùy trường hợp.
- Chi phí tương đối cao: Đặc biệt nếu thực hiện tại các cơ sở uy tín.
6. Sau TESE tinh trùng sẽ được sử dụng như thế nào?
Tinh trùng thu được từ TESE thường có số lượng rất ít và di động kém. Vì vậy, phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp là:
- ICSI (Intracytoplasmic Sperm Injection): Tinh trùng được tiêm trực tiếp vào bào tương của noãn, mục đích khắc phục các vấn đề về số lượng và chất lượng tinh trùng.
- Trữ lạnh tinh trùng: Trường hợp thu được nhiều tinh trùng, mẫu có thể được đông lạnh để sử dụng cho các chu kỳ IVF sau này, giúp người bệnh không cần thực hiện lại TESE.

7. Những lưu ý khi thực hiện TESE
Khi tiến hành kỹ thuật TESE, người bệnh cần chú ý những điều quan trọng sau nhằm đảm bảo quy trình diễn ra thuận lợi, tối ưu kết quả và hạn chế rủi ro.
7.1 Trước ngày thực hiện thủ thuật
Người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên các loại thực phẩm nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa. Cần tránh sử dụng các món ăn nhiều dầu mỡ, giàu chất béo, đặc biệt là sau 18 giờ trong ngày chuẩn bị thực hiện TESE.
Cần chú ý vệ sinh cá nhân đầy đủ, bao gồm cả vùng bìu, tắm gội sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Ngoài ra, việc ngủ đủ giấc trước sẽ giúp cơ thể phục hồi năng lượng, nâng cao thể trạng.
7.2 Vào ngày thực hiện thủ thuật
Trong ngày diễn ra TESE, người bệnh phải tuyệt đối nhịn ăn và uống để giảm thiểu nguy cơ biến chứng trong quá trình gây mê. Người bệnh cũng cần tránh sử dụng nước hoa hoặc bất kỳ sản phẩm có mùi hương mạnh, nhằm hạn chế dị ứng hoặc tác động không mong muốn đến môi trường phòng phẫu thuật.
Để đảm bảo an toàn, người bệnh không nên mang theo trang sức, tiền mặt hay vật dụng có giá trị. Nếu có sử dụng răng giả, cần tháo ra trước khi vào phòng thủ thuật.
Trước khi đến bệnh viện, người bệnh nên tắm rửa sạch sẽ, bao gồm vệ sinh vùng bìu. Quan trọng , người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn chuyên môn từ y bác sĩ trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật TESE.
7.3 Sau khi thực hiện thủ thuật
Sau TESE, người bệnh cần giữ cho vùng vết mổ luôn sạch và khô ráo nhằm phòng tránh nhiễm trùng. Việc sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm phải thực hiện đúng theo chỉ định về liều lượng và thời gian của bác sĩ chuyên khoa.
Người bệnh nên lựa chọn chế độ ăn uống nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa, bổ sung thêm các thực phẩm hỗ trợ quá trình sản xuất tinh trùng tự nhiên. Hoạt động thể lực cần hạn chế, không mang vác vật nặng, và nên ưu tiên nghỉ ngơi nhiều hơn trong những ngày đầu hậu phẫu để cơ thể nhanh chóng hồi phục.
Ngoài ra, cần kiêng quan hệ tình dục trong ít 3 – 4 tuần hoặc cho đến khi vết thương hoàn toàn lành và hết cảm giác đau, để tránh làm tổn thương vùng phẫu thuật và hỗ trợ quá trình hồi phục tối ưu.

TESE đóng vai trò quan trọng trong hành trình điều trị vô sinh nam, đặc biệt là đối với các trường hợp vô tinh không bế tắc. Với sự tiến bộ của kỹ thuật vi phẫu và hỗ trợ sinh sản, khả năng tìm thấy tinh trùng và sinh con bằng tinh trùng của chính mình ngày càng cao hơn.
Tuy nhiên, việc lựa chọn thực hiện TESE cần được tư vấn kỹ lưỡng, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, cũng như thực hiện tại các trung tâm chuyên sâu để đảm bảo an toàn và tối ưu hóa kết quả.
Nếu cánh mày râu đang đối mặt với tình trạng tìm con khó khăn, nghi ngờ bản thân mắc các bệnh liên quan đến nam khoa, đừng ngần ngại liên hệ, đặt lịch khám với bác sĩ nam khoa tại Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn để được kiểm tra và điều trị trong thời gian sớm .
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|