Siêu âm đầu dò có ý nghĩa gì trong điều trị vô sinh
Tư vấn chuyên môn Bài Viết
BSCKII. HỒ CAO CƯỜNG
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn
Siêu âm đầu dò là phương pháp được thực hiện qua ngả âm đạo, mục đích là giúp phát hiện những bất thường ở tử cung và buồng trứng. Kỹ thuật siêu âm đầu dò này còn có vai trò quan trọng trong thăm khám và điều trị vô sinh hiếm muộn ở nữ giới.
1. Siêu âm đầu dò là gì?
Siêu âm đầu dò tên tiếng Anh là Transvaginal Ultrasonography, kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm tần số cao qua ngã âm đạo để tạo hình ảnh chi tiết về tử cung, buồng trứng và các bộ phận khác của cơ quan sinh sản.
Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ Sản phụ khoa chẩn đoán chính xác các bệnh lý phụ khoa thường gặp ở nữ giới với độ phân giải cao.
Tùy theo mục đích, các chuyên gia sẽ chỉ định siêu âm đầu dò qua trực tràng hoặc âm đạo cho bệnh nhân:
- Siêu âm đầu dò qua ngả trực tràng: thường được sử dụng để phát hiện các bệnh lý vùng tiểu khung ở trẻ em hoặc những người chưa quan hệ tình dục.
- Siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo: được áp dụng với sản phụ mang thai giai đoạn đầu, nghi ngờ thai ngoài tử cung, khối u ở buồng trứng và tử cung, kiểm tra tim thai, tình trạng ứ mủ vòi trứng, ứ nước và xác định thời điểm rụng trứng. (1)
Phòng siêu âm hiện đại tại Bệnh Viện HTSS & Nam Học Sài Gòn | Địa điểm siêu âm thai tốt HCM
2. Siêu âm đầu dò được thực hiện với mục đích gì?
Siêu âm đầu dò được áp dụng khi cần kiểm tra các dấu hiệu bất thường ở người bệnh liên quan đến buồng trứng, tử cung, cổ tử cung, vòi trứng, và độ dày niêm mạc tử cung.
Kỹ thuật này cũng hữu ích trong việc đánh giá quá trình rụng trứng và sự phát triển của trứng.
Đối với phụ nữ mang thai, siêu âm đầu dò giúp phát hiện thai sớm khi phôi thai còn nhỏ, không thể hiển thị rõ ràng nếu chỉ siêu âm qua thành bụng.
Trong khám phụ khoa, phương pháp này giúp đánh giá tình trạng cơ quan sinh dục, độ dày niêm mạc tử cung và theo dõi sự phát triển cũng như rụng trứng.
Kỹ thuật này cũng được dùng để phát hiện các khối u như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, và chẩn đoán một số bệnh phụ khoa khác. Tùy theo bệnh lý và mục đích, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm đầu dò qua âm đạo hoặc qua ngả trực tràng.
3. Những trường hợp nên thực hiện siêu âm đầu dò
- Xác nhận thai kỳ trong giai đoạn đầu hoặc phát hiện thai ngoài tử cung hoặc.
- Đánh giá khối u ở tử cung hoặc u buồng trứng.
- Kiểm tra tim thai ở tuần thai vào tuần thứ 6 – 8.
- Xác định tình trạng ứ mủ hoặc ứ nước vòi trứng.
- Đánh giá nguồn gốc khối u tại vùng tiểu khung.
- Đo kích thước trứng để xác định thời điểm rụng trứng, có vai trò quan trọng khi người bệnh đang áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản.
- Được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý ở trực tràng, vùng tiểu khung và tuyến tiền liệt. (2)
4. Siêu âm đầu dò có vai trò gì trong điều trị vô sinh ở nữ giới
Bên cạnh những bệnh lý vừa kể trên, kỹ thuật siêu âm đầu dò còn giúp hỗ trợ các bác sĩ phát hiện ra một số bệnh lý gây vô sinh ở nữ giới, đó là những bệnh lý sau đây:
4.1 U xơ tử cung
Là tình trạng khối u lành tính phổ biến nhất trong tử cung, thường gặp ở phụ nữ từ 30 – 45 tuổi. Theo nghiên cứu, khoảng 20% phụ nữ trên 35 tuổi có u xơ tử cung, nhưng hầu hết những ca bệnh này lại không có triệu chứng rõ ràng.
Thông thường, nữ giới đến khám khi phát hiện bất thường, cảm giác nặng bụng dưới, xuất huyết âm đạo bất thường, tiểu khó, táo bón do u chèn ép trực tràng. Siêu âm đầu dò giúp đánh giá số lượng, vị trí, kích thước và các đặc điểm khác của khối u, giúp bác sĩ đề ra phương pháp điều trị phù hợp.
4.2 Polyp tử cung
Polyp hình thành do sự tăng sinh cục bộ của mô nội mạc tử cung dưới tác động của estrogen. Bệnh thường được phát hiện khi bắt đầu có triệu chứng rong kinh, rong huyết, tăng tiết dịch âm đạo hoặc phát hiện tình cờ khi khám định kỳ hay điều trị vô sinh.
Siêu âm có thể nghi ngờ polyp nội mạc tử cung, và siêu âm bơm nước lòng tử cung là phương pháp tốt nhất để đánh giá chi tiết về số lượng, vị trí, kích thước của khối polyp.
4.3 U buồng trứng
Bệnh lý này thường không có triệu chứng rõ ràng và thường được phát hiện qua thăm khám định kỳ, khám tiền sản, hoặc điều trị vô sinh.
Khi u nang to, nó có thể chèn ép bàng quang gây tiểu khó, tiểu nhiều lần hoặc chèn ép trực tràng gây táo bón.
Siêu âm giúp đánh giá kích thước, đặc điểm số lượng thùy, độ dày của vỏ u và có dịch ổ bụng hay không, giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
4.4 Lạc tuyến nội mạc
Tình trạng này xảy ra ở cơ tử cung, buồng trứng hoặc vùng chậu sâu. Chỉ khi có biểu hiện đau nhiều, đau kéo dài liên quan đến chu kỳ kinh, vô sinh, đau vùng chậu mãn tính, đau khi giao hợp sâu hoặc đau khi đại tiểu tiện thì nữ giới mới thăm khám.
Siêu âm đầu dò giúp đánh giá vị trí, kích thước, đặc điểm của khối lạc tuyến nội mạc và những tác động ảnh hưởng đến các cơ quan vùng chậu, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra cách điều trị phù hợp.
4.5 Viêm nhiễm vùng chậu
Viêm nhiễm vùng chậu là một nhóm bệnh lý đa dạng, thường xảy ra sau viêm nhiễm ở âm hộ, âm đạo hoặc cổ tử cung. Triệu chứng thường gặp đau vùng chậu, sốt, xuất huyết hoặc tiết dịch mủ âm đạo.
Kỹ thuật siêu âm đầu dò có thể phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm như phù nề, tụ dịch, ứ mủ,… (3)
5. Quy trình siêu âm đầu dò tại Bệnh Viện HTSS & NH Sài Gòn
- Chuẩn bị: người bệnh sẽ được yêu cầu mặc váy hoặc thay trang phục bắt buộc của Bệnh viện.
- Vị trí siêu âm: người bệnh nằm lên bàn siêu âm, đặt hai chân lên giá đỡ.
- Tiến hành siêu âm: bác sĩ sẽ đưa đầu dò (đã bọc bao cao su chuyên dụng và bôi gel trơn) vào khoảng 5 – 7cm trong âm đạo. Một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng siêu âm truyền nước muối (SIS) vào lòng tử cung để hình ảnh được rõ nét hơn, phương pháp này không áp dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang bị nhiễm trùng.
- Nhận tín hiệu: đầu dò phát sóng siêu âm, thu lại tín hiệu đã được mã hóa và truyền ảnh trực tiếp của các cơ quan vùng chậu. Trong quá trình siêu âm, đầu dò có thể được xoay nhẹ để thu được hình ảnh đầy đủ và tổng quát nhất có thể.
- Từ những hình ảnh này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh và chẩn đoán kịp thời các bệnh lý nếu có. (4)
6. Cần chuẩn bị những gì trước khi siêu âm đầu dò?
Việc chuẩn bị cho siêu âm đầu dò không quá phức tạp và còn phải tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể:
- Tình trạng bàng quang: bác sĩ yêu cầu người bệnh để bàng quang trống rỗng hoặc chỉ chứa ít nước tiểu, để tránh việc bàng quang đè lên các cấu trúc trong tiểu khung. Trước khi siêu âm đầu dò, người bệnh thường sẽ được yêu cầu đi tiểu hết để làm trống bàng quang.
- Khi cần làm đầy bàng quang: một số trường hợp, bác sĩ yêu cầu bàng quang đầy để tạo điều kiện tốt nhất cho việc siêu âm. Lúc đó, người bệnh sẽ cần uống nhiều nước và di chuyển nhiều trước khi thực hiện siêu âm.
- Chu kỳ kinh nguyệt: nếu đang trong chu kỳ kinh nguyệt, người bệnh cần loại bỏ cốc nguyệt san hoặc tampon nếu đang sử dụng trước khi siêu âm đầu dò. Tuy nhiên, để kết quả siêu âm được chính xác hơn, người bệnh nên thực hiện sau khi sạch kinh 2 ngày.
- Tâm lý và sức khỏe: người bệnh cần đảm bảo tinh thần thoải mái và ổn định là rất quan trọng để đạt kết quả siêu âm chính xác. Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể đang gặp phải để bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định phù hợp nhất.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn, sản phụ khoa, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh viện sở hữu Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tu nghiệp ở nước ngoài, luôn cập nhật kỹ thuật mới, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn.
Hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu 100% từ nước ngoài, được kiểm định thường xuyên, giúp cho các kết quả xét nghiệm được chính xác hơn và nâng cao hiệu quả điều trị cho các cặp đôi.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|