PESA và Ứng dụng trong điều trị vô sinh hiếm muộn
PESA là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả đối với nam giới vô tinh do tắc nghẽn. Theo thống kê từ các cơ sở y tế chuyên sâu, có khoảng 30% nam giới đến khám vì vô sinh được chẩn đoán là không có tinh trùng trong tinh dịch. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện đại, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến đã giúp các cặp đôi vẫn có thể hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ.

1. PESA là gì?
PESA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration, được hiểu là kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh thông qua da mà không cần mổ mở. Phương pháp này thường được áp dụng cho những người bệnh mắc chứng vô tinh bế tắc – tức là quá trình sinh tinh vẫn diễn ra bình thường nhưng tinh trùng không thể xuất ra ngoài do có sự tắc nghẽn trên đường dẫn tinh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc nghẽn này có thể là do người bệnh không có ống dẫn tinh bẩm sinh, từng trải qua thủ thuật triệt sản (như cắt hoặc thắt ống dẫn tinh), hoặc do biến chứng của viêm nhiễm, phẫu thuật vùng bẹn bìu trước đó.
2. Những trường hợp được chỉ định thực hiện PESA
Phương pháp PESA thường được chỉ định khi người bệnh nam bị vô tinh do các nguyên nhân tắc nghẽn cụ thể sau:
2.1 Không có ống dẫn tinh bẩm sinh
Trường hợp người bệnh bị bất sản ống dẫn tinh hai bên bẩm sinh (Congenital Bilateral Absence of the Vas Deferens – CBAVD) là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến vô tinh. Đây là một dị tật phát triển khiến người bệnh không thể có con theo cách tự nhiên. Khi gặp tình trạng này, PESA là một trong những giải pháp thường được lựa chọn để thu tinh trùng phục vụ cho quá trình hỗ trợ sinh sản.
2.2 Các vấn đề tại đường dẫn tinh
Đường dẫn tinh giữ vai trò then chốt trong việc vận chuyển và tích trữ tinh trùng. Khi bị tổn thương hoặc tắc nghẽn, việc tinh trùng ra ngoài là không thể, dù người bệnh vẫn có khả năng sinh tinh. Trong những trường hợp như vậy, PESA giúp tiếp cận và lấy được tinh trùng trực tiếp từ mào tinh mà không cần phục hồi lại đường dẫn tinh.
2.3 Người bệnh không mong muốn nối lại ống dẫn tinh sau triệt sản
Với những người bệnh từng triệt sản nhưng sau đó muốn có con trở lại, nếu không muốn thực hiện nối lại ống dẫn tinh, kỹ thuật PESA được xem là lựa chọn phù hợp. Phương pháp này vừa đơn giản vừa không đòi hỏi can thiệp lớn, vẫn có thể thu được tinh trùng phục vụ cho thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

3. Khi nào không nên thực hiện PESA?
Dù hiệu quả và ít xâm lấn, PESA vẫn có những giới hạn định. Cụ thể, phương pháp này không được chỉ định cho những người bệnh bị vô tinh không bế tắc – tức là khi quá trình sinh tinh bị rối loạn hoặc tổn thương.
Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này gồm bất thường về di truyền, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn ẩn, teo tinh hoàn hoặc suy tuyến sinh dục. Trong các trường hợp này, do tinh trùng không được sản sinh hoặc không tồn tại, nên PESA không phải là lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, PESA cũng không được thực hiện trong các tình huống sau:
- Vô tinh bế tắc tại tinh hoàn, không thể hút được tinh trùng từ mào tinh;
- Mào tinh bên được chỉ định hút tinh trùng có khả năng nối lại đường dẫn tinh, trừ khi người bệnh không mong muốn phẫu thuật nối thông;
- Người bệnh đã thực hiện nối ống dẫn tinh và đang trong giai đoạn chờ tinh trùng xuất hiện trở lại trong tinh dịch (khoảng 6 – 12 tháng sau nối).
4. Ưu điểm vượt trội của PESA trong điều trị vô tinh bế tắc
PESA là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, đơn giản và hiệu quả, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh:
- Thời gian thực hiện nhanh chóng: Thủ thuật chọc hút tinh trùng bằng PESA diễn ra nhanh, thường chỉ mất khoảng 15–30 phút. Sau đó, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi từ 1–2 giờ là có thể về nhà mà không cần nằm viện lâu ngày.
- Chi phí hợp lý: So với các phương pháp điều trị vô tinh khác, PESA có chi phí thực hiện khá thấp, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người bệnh.
- Có thể thực hiện nhiều lần: PESA có thể được lặp lại nhiều lần tùy theo chỉ định từ bác sĩ hoặc nhu cầu từ người bệnh. Điều này giúp tăng khả năng thu được tinh trùng ở nhiều thời điểm khác nhau.
- Không yêu cầu bác sĩ vi phẫu: Do đây là kỹ thuật đơn giản, không đòi hỏi tay nghề vi phẫu cao nên hầu hết các bác sĩ nam học đều có thể thực hiện. Điều này giúp mở rộng cơ hội điều trị cho người bệnh ngay tại nhiều cơ sở y tế khác nhau.
- Cần ít trang thiết bị hỗ trợ: PESA sử dụng các dụng cụ tối giản để vệ sinh vùng bẹn, định vị mào tinh và thực hiện thủ thuật bằng kim chọc hút. Việc không cần hệ thống máy móc phức tạp giúp phương pháp này trở nên dễ tiếp cận và tiết kiệm chi phí.
- Không cần phẫu thuật thám sát bìu: Một ưu điểm đáng chú ý khác của PESA là không cần mổ mở hay thám sát bìu, giúp người bệnh giảm bớt đau đớn, rút ngắn thời gian hồi phục và tránh những biến chứng hậu phẫu không đáng có.

5. Nhược điểm của kỹ thuật PESA
Dù PESA là thủ thuật đơn giản, thời gian thực hiện nhanh, chi phí thấp và không đòi hỏi chuyên môn vi phẫu cao, nhưng người bệnh vẫn nên cân nhắc một số điểm hạn chế sau:
- Lượng tinh trùng thu được thường không nhiều: Do không thể xác định chính xác vị trí tập trung nhiều tinh trùng trong mào tinh, lượng dịch hút được sau thủ thuật có thể rất ít hoặc chứa số lượng tinh trùng thấp. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của các bước điều trị tiếp theo như thụ tinh trong ống nghiệm.
- Xơ hóa hoặc tắc nghẽn tại vị trí chọc hút: Sau khi thực hiện PESA, một số người bệnh có thể xuất hiện tình trạng xơ hóa hoặc tắc nghẽn ngay tại chỗ chọc hút. Đây là phản ứng phổ biến và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thường sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn.
- Nguy cơ tụ máu vùng bìu: Việc sử dụng kim tiêm để chọc vào mào tinh có thể khiến người bệnh gặp tình trạng tụ máu nhẹ ở vùng bìu. Tuy nhiên, hiện tượng này không nguy hiểm và sẽ giảm dần trong thời gian ngắn nếu tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc sau thủ thuật.
6. Phương án thay thế khi kỹ thuật PESA không mang lại kết quả
Trong một số trường hợp, PESA có thể thất bại, nguyên nhân có thể đến từ cấu trúc bất thường của mào tinh, bệnh lý nền của người bệnh hoặc thao tác kỹ thuật chưa hiệu quả. Nếu thực hiện PESA khoảng 10 lần ở mỗi bên mà vẫn không thu được tinh trùng, người bệnh có thể được chỉ định chuyển sang kỹ thuật TESE – phương pháp mổ lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn. Đây là lựa chọn thay thế hiệu quả hơn khi mào tinh không còn khả năng cung cấp tinh trùng.
7. Tinh trùng sau PESA được sử dụng như thế nào?
Sau khi tinh trùng được thu nhận qua PESA, chúng sẽ được xử lý tại phòng Lab tùy vào mục đích sử dụng:
- Trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Tinh trùng tươi sẽ được tiêm trực tiếp vào bào tương noãn (ICSI) để tạo phôi. Quá trình này diễn ra ngay sau khi chọc hút để đảm bảo hiệu quả cao .
- Trường hợp trữ lạnh: Nếu chưa cần sử dụng tinh trùng ngay, người bệnh có thể yêu cầu trữ đông tinh trùng. Mẫu được bảo quản trong môi trường nitơ lỏng và có thể sử dụng trong tương lai khi cần thiết, kể cả cho mục đích thụ thai tự nhiên hay IVF.

8. Những lưu ý quan trọng trước – trong – sau khi thực hiện PESA
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho kỹ thuật PESA, người bệnh cần lưu ý:
8.1 Trước thủ thuật
- Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc vào đêm trước ngày thực hiện.
- Ăn thức ăn dễ tiêu trước 18h, có thể uống nước đến trước 23h đêm hôm trước.
- Tuyệt đối không ăn uống gì vào sáng ngày làm thủ thuật để tránh biến chứng khi gây mê.
- Vệ sinh sạch sẽ toàn thân, đặc biệt là vùng sinh dục, bằng xà phòng sát khuẩn.
- Không mang theo trang sức, tiền bạc và tháo răng giả nếu có.
8.2 Trong thủ thuật
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và điều dưỡng tại bệnh viện.
- Hợp tác tốt để bác sĩ xác định chính xác vị trí chọc hút.
8.3 Sau thủ thuật
- Tránh vận động mạnh, hạn chế làm việc nặng hoặc di chuyển nhiều.
- Mặc đồ lót rộng, nâng nhẹ bìu trong khoảng một tuần sau thực hiện.
- Kiêng quan hệ tình dục cho đến khi hoàn toàn không còn cảm giác đau hoặc sưng.
- Có thể sử dụng thuốc giảm đau nhẹ như paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ.
Kỹ thuật PESA mang đến một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả cho những người bệnh nam gặp tình trạng vô tinh bế tắc. Nhờ ưu điểm ít xâm lấn, chi phí thấp, dễ thực hiện và cho kết quả khả quan, PESA đang ngày càng được ứng dụng phổ biến tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản, trong đó có Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn. Nếu cánh mày râu đang gặp khó khăn trong hành trình tìm con, đừng ngần ngại tham khảo phương pháp này như một lựa chọn đáng cân nhắc.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|