Viêm vùng chậu – diễn biến âm thầm nhưng nguy hiểm
Tư vấn chuyên môn Bài Viết
BSCKII. HỒ CAO CƯỜNG
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn
Viêm vùng chậu (PID) là tình trạng viêm cơ quan sinh sản nữ. Hầu hết các trường hợp là do nhiễm trùng lan rộng ở âm đạo hoặc cổ tử cung không được điều trị.
1. Viêm vùng chậu là gì?
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là tình trạng nhiễm trùng một hoặc nhiều cơ quan sinh sản, bao gồm tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Nếu không điều trị có thể khiến mô sẹo và các túi dịch bị nhiễm trùng (áp xe) phát triển trong đường sinh sản, có thể gây tổn thương vĩnh viễn.
2. Dấu hiệu nhận biết viêm vùng chậu
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể nhẹ và khó nhận biết. Một số phụ nữ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Khi có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu (PID), chúng thường bao gồm:
- Đau phần bụng dưới và xương chậu. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau quặn dữ dội.
- Sốt không rõ nguyên do.
- Dịch âm đạo có màu bất thường và có mùi hôi tanh.
- Âm đạo chảy máu bất thường (không phải trong chu kỳ kinh nguyệt).
- Chảy máu khi quan hệ tình dục.
- Đi tiểu cảm giác buốt, khó chịu.
3. Nguyên nhân dẫn tới viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu thường bắt đầu bằng tình trạng nhiễm trùng từ âm đạo và lan đến cổ tử cung. Sau đó bệnh có thể lây lan đến ống dẫn trứng và buồng trứng.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng, nhưng thường liên quan đến một hoặc nhiều loại vi khuẩn. Phổ biến nhất đó là:
Vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục như chlamydia và bệnh lậu. Theo thống kê tại tạp chí y khoa Hoa Kỳ, có đến khoảng 80% – 90% phụ nữ mắc bệnh chlamydia và 10% mắc bệnh lậu không có triệu chứng. Trong số đó, có khoảng 10% – 15% tiến triển thành bệnh viêm vùng chậu như một bệnh nhiễm trùng thứ cấp.
Ngoài ra, một số nguyên nhân gián tiếp khác có thể làm tăng nguy cơ bị PID có thể kể đến như:
- Quan hệ tình dục trước tuổi 25.
- Có đời sống tình dục không lành mạnh: quan hệ nhiều bạn tình, không sử dụng biện pháp an toàn.
- Vệ sinh vùng kín sai cách: thụt rửa âm đạo quá sâu từ đó có thể làm tổn thương hoặc mất cân bằng môi trường trong âm đạo.
- Đã từng bị viêm vùng chậu hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh PID như:
- Sinh con, sảy thai hoặc sảy thai nếu vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo. Nhiễm trùng có thể lây lan dễ dàng hơn nếu cổ tử cung không đóng hoàn toàn.
- Dụng cụ tử cung (DCTC), một hình thức ngừa thai được đặt vào tử cung. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, có thể trở thành bệnh PID.
- Sinh thiết nội mạc tử cung, trong đó lấy mẫu mô để phân tích, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và dẫn đến bệnh viêm vùng chậu.
- Viêm ruột thừa làm tăng nguy cơ rất nhẹ nếu nhiễm trùng lây lan từ ruột thừa đến xương chậu.
4. Biến chứng của viêm vùng chậu
Các biến chứng cấp tính của bệnh viêm vùng chậu bao gồm sự phát triển của áp xe vùng chậu (nhiễm trùng kèm theo) hoặc nhiễm trùng vùng chậu nặng. Các triệu chứng của tình trạng này có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn hoặc đau vùng chậu nghiêm trọng.
Trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến máu, có khả năng đe dọa tính mạng đối với người bệnh.
Hơn thế nữa, nếu viêm vùng chậu không được phát hiện và điều trị, sẽ dẫn tới những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản.
Vô sinh: nhiễm trùng có thể lây lan trong hệ thống sinh sản, gây viêm và sẹo. Điều này có thể thu hẹp hoặc chặn ống dẫn trứng gây tắc ống dẫn trứng, từ đó ngăn cản tinh trùng gặp trứng để thụ tinh.
Sinh non: viêm vùng chậu để lại sẹo và viêm chính là yếu tố đe dọa thai kỳ, tăng nguy cơ sinh non.
Mang thai ngoài tử cung: nếu quá trình thụ tinh xảy ra trong ống dẫn trứng, thì việc thu hẹp do PID có thể giữ trứng ở đó. Điều này ngăn cản phôi (sau khi thụ tinh) đến được tử cung, nơi nó cần bám vào và phát triển thành em bé hoàn chỉnh. Thai ngoài tử cung không chỉ khiến thai nhi không thể giữ lại mà còn có thể đe dọa tới tính mạng của người mẹ.
5. Chẩn đoán viêm vùng chậu bằng cách nào?
Việc chẩn đoán bệnh viêm vùng chậu thường liên quan đến tiền sử bệnh, khám phụ khoa và các xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như siêu âm. Thông thường, do không có triệu chứng hoặc có ít triệu chứng nên đa phần bệnh được phát hiện khi sẹo đã xuất hiện.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh:
- Siêu âm qua âm đạo. Có thể xác định được vùng bị viêm hoặc áp xe.
- Nội soi ổ bụng. Đây là một cuộc kiểm tra xâm lấn hơn, trong đó một camera phẫu thuật được đưa vào để xác định những thay đổi về cấu trúc, chẳng hạn như viêm hoặc sẹo bên trong đường sinh sản và khoang bụng.
6. Điều trị viêm vùng chậu như thế nào?
Việc phát hiện và điều trị bệnh viêm vùng chậu đúng cách sẽ hạn chế được các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, chẳng hạn như vô sinh.
Một số phương pháp điều trị được ứng dụng phổ biến đó là:
6.1 Điều trị bằng kháng sinh
Loại điều trị đầu tiên là dùng kháng sinh. Điều quan trọng là phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ và hoàn thành tất cả các đơn thuốc. Thông thường, thời gian điều trị bằng thuốc thường kéo dài từ 14 ngày trở lên. PID thường liên quan đến nhiều loại vi khuẩn, vì vậy bệnh nhân có thể dùng hai loại kháng sinh cùng nhau.
Thuốc kháng sinh cho PID bao gồm:
- Cefoxitin
- Metronidazol
- Ceftriaxone
- Doxycycline
Nếu kháng sinh không tạo ra sự khác biệt trong vòng 3 ngày, người bệnh nên tới gặp bác sĩ để có thể xem xét việc đổi liệu trình điều trị, thay thế bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch hoặc thay đổi loại thuốc.
6.2 Phẫu thuật
Phẫu thuật: nếu viêm vùng chậu để lại sẹo trên ống dẫn trứng hoặc áp xe buồng trứng thì bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cân nhắc tới việc cắt bỏ một phần hoặc cắt cả hai ống dẫn trứng. Trong trường hợp phải cắt bỏ 2 vòi trứng, người bệnh sẽ không thể mang thai tự nhiên được nữa.
7. Phòng ngừa viêm vùng chậu bằng cách nào?
Theo BSCKII. Hồ Cao Cường – Giám đốc chuyên môn tại Bệnh Viện HTSS & Nam Học Sài Gòn, để phòng ngừa bệnh viêm vùng chậu, chị em cần phải lưu ý những điều sau:
- Quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp bảo vệ. Luôn sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục, quan hệ lành mạnh, không quan hệ nhiều bạn tình.
- Vệ sinh âm đạo đúng cách, không thụt rửa sâu và mạnh tránh làm tổn thương âm đạo cũng như làm mất cân bằng độ pH sẵn có. Chỉ nên vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài và sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, lành tính.
- Tìm hiểu kỹ lưỡng các biện pháp tránh thai trước khi thực hiện bởi có một số hình thức tránh thai không an toàn có thể làm tăng nguy cơ bị viêm xương chậu.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ, tối thiểu một năm một lần để tầm soát cũng như phát hiện bệnh kịp thời. Từ đó chữa trị sớm, hạn chế để lại những hậu quả nặng nề.
Bệnh viêm vùng chậu là bệnh lý không có triệu chứng rõ ràng, rất khó để phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì thế, chị em cần lắng nghe và theo dõi cơ thể mình thường xuyên, một khi thấy dấu hiệu bất thường hãy nhanh chóng tiến hành thăm khám và kiểm tra để có biện pháp điều trị kịp thời.
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn là bệnh viện TIÊN PHONG trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn, nam khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những dịch vụ thăm khám và xét nghiệm tìm ra nguyên nhân hiếm muộn, bệnh viện còn cung cấp các gói khám đánh giá sức khỏe tổng quát, các xét nghiệm liên quan đến sinh sản và các xét nghiệm nam khoa, phụ khoa.
Hơn thế nữa, bệnh viện còn sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế đều là những người có kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn bài bản, điều này sẽ nâng cao tỷ lệ điều trị thành công hơn.
BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN
|