Chị Minh Thư (35 tuổi, TP.HCM) chia sẻ về hành trình dài điều trị hiếm muộn của mình cùng chồng. Sau nhiều năm cố gắng và thử nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản mà không có kết quả, hai vợ chồng chị đã quyết định thực hiện IUI với hy vọng sẽ có tin vui. Tuy nhiên, vào ngày thứ 11 sau IUI, chị phát hiện ra máu nâu, điều này khiến chị lo lắng và bối rối vì không rõ đây là dấu hiệu tích cực hay cảnh báo điều gì bất thường.

Chị viết thư gửi đến Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn với mong muốn được tư vấn liệu ra máu nâu vào ngày thứ 11 sau IUI có thể là dấu hiệu của sự làm tổ của phôi hay không. Chị chia sẻ rằng mỗi dấu hiệu dù nhỏ cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, khiến chị luôn trong trạng thái căng thẳng và bất an trong quá trình chờ đợi kết quả. Chị hy vọng nhận được thông tin chính xác để có thêm niềm tin và sự yên tâm tiếp tục hành trình làm mẹ.

Trong hành trình điều trị hiếm muộn đầy khó khăn, mỗi dấu hiệu dù nhỏ cũng có thể khiến các cặp vợ chồng rơi vào trạng thái lo lắng. Một trong những trường hợp thường gặp sau khi thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là hiện tượng ra máu nâu vào những ngày gần thời điểm thử thai. Điều này khiến nhiều phụ nữ băn khoăn không biết đây có phải là dấu hiệu của sự làm tổ thành công hay là dấu hiệu bất thường cần lưu ý. Việc hiểu rõ nguyên nhân và ý nghĩa của triệu chứng này là rất quan trọng để có thể chuẩn bị tâm lý vững vàng và đưa ra các bước tiếp theo phù hợp.

1. Tìm hiểu tổng quan về phương pháp IUI

IUI hay còn gọi là phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung – là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phổ biến, đơn giản và ít xâm lấn. Đây thường là lựa chọn đầu tiên cho các cặp vợ chồng gặp vấn đề hiếm muộn nhẹ như tinh trùng yếu nhẹ, rối loạn rụng trứng, cổ tử cung bất thường, hoặc trường hợp hiếm muộn không rõ nguyên nhân.

Trong quy trình IUI, tinh trùng của người chồng sẽ được lấy ra, lọc rửa để chọn lọc những tinh trùng khỏe mạnh . Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một ống thông mềm nhỏ để đưa tinh trùng trực tiếp vào buồng tử cung của người vợ. Việc này được thực hiện gần với thời điểm rụng trứng – thời gian “Vàng” để tăng tỷ lệ thụ tinh tự nhiên giữa trứng và tinh trùng.

Trước khi thực hiện IUI, người phụ nữ thường được theo dõi sự phát triển của nang noãn thông qua siêu âm và có thể dùng thuốc kích thích rụng trứng. Sau IUI, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc nội tiết (thường là progesterone) để hỗ trợ niêm mạc tử cung, giúp phôi dễ làm tổ hơn nếu có thụ tinh.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ra máu nâu sau bơm IUI

Ra máu nâu sau IUI có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải lúc nào cũng là dấu hiệu tiêu cực. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

2.1 Dấu hiệu phôi làm tổ 

Phôi thường bắt đầu quá trình làm tổ vào khoảng 6 – 12 ngày sau khi rụng trứng hoặc sau IUI, tùy vào thời điểm rụng trứng của từng người. Khi phôi bám vào niêm mạc tử cung để phát triển, có thể gây bong tróc nhẹ lớp niêm mạc và chảy ra một ít máu. Đây là một trong những dấu hiệu sớm của thai kỳ.

Đặc điểm máu làm tổ:

  • Màu nâu nhạt hoặc hồng nhạt
  • Lượng rất ít, thường chỉ kéo dài 1 – 2 ngày
  • Không kèm theo đau bụng dữ dội
  • Không có mùi hôi

Ra máu làm tổ thường không đáng lo ngại và có thể xem là dấu hiệu tích cực trong chu kỳ IUI.

2.2 Thay đổi nội tiết tố do dùng thuốc hỗ trợ

Sau IUI, người phụ nữ thường được chỉ định dùng thuốc nội tiết như progesterone (dưới dạng uống, đặt âm đạo hoặc tiêm) nhằm hỗ trợ niêm mạc tử cung và giữ thai. Tuy nhiên, sự dao động nội tiết tố trong cơ thể có thể gây bong tróc nhẹ niêm mạc tử cung và dẫn đến ra máu nâu.

Hiện tượng này cũng khá phổ biến và thường không nguy hiểm, miễn là không kéo dài quá lâu hoặc không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác.

2.3 Tác động cơ học từ thủ thuật IUI

IUI là một thủ thuật tương đối nhẹ nhàng, tuy nhiên vẫn có khả năng gây tổn thương nhỏ đến cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung khi đưa ống thông vào. Nếu xảy ra chảy máu nhẹ sau thủ thuật và kéo dài đến vài ngày, máu có thể chuyển sang màu nâu.

Tuy nhiên, máu do nguyên nhân này thường xuất hiện sớm hơn (trong vòng vài ngày sau thủ thuật), và hiếm khi kéo dài đến ngày thứ 11.

2.4 Dấu hiệu cảnh báo sảy thai sớm hoặc thai ngoài tử cung

Trong một số ít trường hợp, ra máu nâu có thể là dấu hiệu cảnh báo của:

  • Sảy thai sớm (thường đi kèm với máu đỏ tươi, đau bụng dưới, giảm triệu chứng thai nghén)
  • Thai ngoài tử cung (đau một bên bụng, chóng mặt, buồn nôn, chảy máu bất thường)

Tuy nhiên, vào ngày thứ 11 sau IUI, chưa đủ cơ sở để khẳng định các biến chứng này. Việc theo dõi cẩn thận trong vài ngày tiếp theo là rất quan trọng.

3. Ra máu nâu sau bơm IUI có cần đến Bệnh viện không?

Ra máu nâu nhẹ, không kèm theo đau bụng dữ dội hoặc triệu chứng bất thường, trong khoảng thời gian từ ngày thứ 6–12 sau IUI thường được xem là bình thường. Tuy nhiên, chị em nên lưu ý những dấu hiệu bất thường sau để đi khám ngay:

  • Máu chảy nhiều như chu kỳ kinh nguyệt
  • Máu đỏ tươi, kéo dài liên tục nhiều ngày
  • Đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội
  • Hoa mắt, chóng mặt, sốt
  • Có mùi hôi vùng kín

Việc đi khám hoặc liên hệ bác sĩ sẽ giúp loại trừ các nguy cơ không mong muốn và điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.

4. Sau bơm IUI cần lưu ý những gì?

Thời gian chờ kết quả sau IUI là một trong những giai đoạn nhạy cảm và căng thẳng . Để bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ quá trình làm tổ (nếu có), chị em nên lưu ý:

  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh, không làm việc quá sức
  • Không tự ý dừng thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung axit folic, vitamin, hạn chế chất kích thích
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu thái quá
  • Theo đúng lịch hẹn xét nghiệm beta hCG (thường sau 14 ngày IUI) để xác định có thai hay không.

Mong rằng những thông tin trên có thể giúp ích được phần nào cho các gia đình. Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn xin chúc ba mẹ sẽ sớm ngày đón được tin vui.

BỆNH VIỆN HỖ TRỢ SINH SẢN & NAM HỌC SÀI GÒN