Gom trứng làm IVF: Ai nên thực hiện? Bao lâu thì đủ trứng?
Gom trứng làm IVF là giải pháp giúp phụ nữ có AMH thấp, trứng ít vẫn nuôi hy vọng làm mẹ. Bài viết sẽ giải đáp rõ ai nên gom trứng, thời gian thực hiện và chia sẻ từ bác sĩ tại Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn để ba mẹ hiểu rõ hơn hành trình này.
Gom trứng làm IVF là gì?

Gom trứng làm IVF là một phương pháp kỹ thuật y học hỗ trợ sinh sản được thiết kế riêng cho phụ nữ có số lượng trứng ít hoặc đáp ứng kém với thuốc kích trứng. Kỹ thuật này nhằm tích lũy đủ số lượng trứng tốt qua nhiều lần lấy, để khi đến thời điểm thích hợp, bác sĩ sẽ tiến hành thụ tinh, tạo phôi và nuôi dưỡng những phôi khỏe mạnh. Khi đã sẵn sàng, phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung, mở ra cơ hội lớn hơn cho hành trình đón con yêu thành công.
Theo BSCKII Lý Thái Lộc – Cố vấn Chuyên môn Cấp cao tại Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn, cho biết:
“Gom trứng là một hướng điều trị giàu hy vọng dành cho các mẹ có số lượng trứng ít. Dù hành trình có thể gian nan hơn, nhưng đây vẫn là cách để giữ lấy cơ hội làm mẹ bằng chính trứng của mình.”
Quy trình gom trứng làm IVF diễn ra như thế nào?
Kỹ thuật gom trứng làm IVF không chỉ là một bước quan trọng trong thụ tinh ống nghiệm mà còn là giải pháp giúp tăng cơ hội có thai cho những người đang điều trị hiếm muộn có dự trữ buồng trứng thấp hoặc đáp ứng kém với kích thích
1. Đánh giá sức khỏe và chỉ định điều trị
Trước khi bắt đầu, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tổng quát, xét nghiệm nội tiết, siêu âm đếm nang thứ cấp để đánh giá dự trữ buồng trứng và mức độ phù hợp với kỹ thuật gom trứng.

2. Kích thích buồng trứng
Đến bước này, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phác đồ kích thích, nhằm thu được từ 2 – 4 trứng mỗi chu kỳ. Mục đích là thu thập dần dần nhiều trứng trưởng thành trong vài chu kỳ mà không gây quá nhiều áp lực cho cơ thể người bệnh.
3. Theo dõi chu kỳ chặt chẽ
Trong quá trình kích thích, người bệnh sẽ được theo dõi sát bằng siêu âm và xét nghiệm máu để kiểm tra sự phát triển của nang noãn. Khi nang noãn đạt kích thước tối ưu (18 – 22mm), bác sĩ sẽ chỉ định mũi tiêm rụng trứng để chuẩn bị cho chọc hút.

4. Chọc hút trứng
Khoảng 36 – 40 giờ sau tiêm, bác sĩ thực hiện thủ thuật chọc hút trứng bằng kim chuyên dụng dưới hướng dẫn siêu âm. Quy trình diễn ra nhanh chóng, có gây mê nhẹ để đảm bảo người bệnh không thấy đau.
5. Tạo phôi và chuyển phôi
Khi đã có đủ trứng, bác sĩ sẽ kết hợp với tinh trùng để tạo phôi. Phôi tốt sau đó được chuyển vào tử cung trong một chu kỳ khác. Lúc này, nội mạc tử cung đã được chuẩn bị sẵn sàng, giúp tăng khả năng phôi làm tổ và phát triển thành thai kỳ khỏe mạnh.
Ai là đối tượng nên gom trứng làm IVF?
Kỹ thuật gom trứng làm IVF không dành cho tất cả mọi người mà chủ yếu được chỉ định cho những trường hợp đặc biệt, thường gặp ở phụ nữ có buồng trứng hoạt động kém hoặc trứng rất ít sau mỗi chu kỳ kích thích.
Phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp
Chỉ số AMH thấp (dưới 0.7 ng/mL) hoặc hình ảnh siêu âm cho thấy số lượng nang noãn rất ít là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nên gom trứng. Bác sĩ sẽ lên phác đồ kích thích nhẹ, gom dần trứng trong nhiều chu kỳ để tăng cơ hội tạo phôi.
Với những trường hợp này, không ít ba mẹ thắc mắc: “Nồng độ AMH thấp có làm IUI được không?”. Thực tế, mỗi tình huống sẽ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân và tiên lượng. Bác sĩ sẽ là người đồng hành, giúp ba mẹ xác định đâu là hướng đi phù hợp và hiệu quả!
Người bệnh suy buồng trứng sớm

Tình trạng này đang ngày càng trẻ hóa, thậm chí gặp ở những phụ nữ chỉ mới ngoài 20 tuổi. Với nhóm này, mỗi chu kỳ chỉ có thể thu được vài trứng, nên gom trứng là cách khả thi để tránh phải xin trứng và vẫn giữ được cơ hội có con bằng chính trứng của mình.
Người bệnh có bất thường nhiễm sắc thể
Một số người bệnh cần làm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGT) để chọn ra phôi không mang bệnh lý di truyền. Gom trứng giúp tạo ra nhiều phôi hơn, từ đó nâng cao xác suất tìm được phôi đạt chuẩn di truyền.

Phụ nữ trên 40 tuổi
Ở độ tuổi này, buồng trứng thường không còn hoạt động mạnh. Mỗi lần kích thích chỉ thu được rất ít trứng. Gom trứng nhiều lần sẽ giúp tích lũy số lượng trứng tối ưu để tăng khả năng chọn lọc phôi khỏe.
Phụ nữ muốn bảo tồn khả năng sinh sản
Dù không làm IVF ngay, nhưng những phụ nữ có AMH thấp hoặc đang có nguy cơ suy buồng trứng sớm có thể gom và trữ đông trứng từ bây giờ để giữ lại cơ hội làm mẹ sau này.
Bao lâu thì gom đủ trứng để chuyển phôi?
Thời gian gom trứng không cố định mà phụ thuộc vào tình trạng buồng trứng và số lượng trứng thu được trong mỗi chu kỳ. Với những ba mẹ có dự trữ trứng thấp hoặc phản ứng buồng trứng kém, việc gom trứng sẽ cần nhiều thời gian hơn để đạt đủ số lượng cần thiết cho tạo phôi.
Bao nhiêu trứng thu được mỗi chu kỳ?
Với phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ, bác sĩ thường thu được khoảng 3 – 4 trứng trưởng thành mỗi chu kỳ gom trứng. Phác đồ này sử dụng ít thuốc hơn và phù hợp với những người đáp ứng buồng trứng kém hoặc có AMH thấp.
Gom bao nhiêu trứng là đủ?

Dù không có con số “chuẩn” cho mọi ca, nhưng gom đủ 6 – 8 trứng trưởng thành là mốc tối ưu để tạo được ít một phôi chất lượng ngày 5. Càng có nhiều trứng, tỷ lệ tạo phôi thành công càng cao.
Lưu ý: Việc gom trứng là hành trình cần sự kiên nhẫn, nhưng đổi lại là hy vọng lớn hơn về một thai kỳ thành công. Để biết chính xác bạn cần bao nhiêu chu kỳ gom trứng, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên môn BSCKII Lý Thái Lộc nhé!

Tư vấn chuyên môn Bài Viết
BSCKII. LÝ THÁI LỘC
Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn
Ưu và nhược điểm của phương pháp gom trứng làm IVF
Gom trứng làm IVF là một chiến lược hỗ trợ sinh sản hiện đại, giúp tăng cơ hội có thai cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng có một số hạn chế cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ưu điểm của kỹ thuật gom trứng làm IVF
Tăng cơ hội thụ thai
Gom trứng cho phép tích lũy đủ số lượng trứng trưởng thành từ nhiều chu kỳ kích thích. Điều này giúp dự trữ buồng trứng thấp hoặc đáp ứng buồng trứng kém, vốn chỉ thu được rất ít trứng mỗi chu kỳ.
Khi có đủ số lượng trứng (thường từ 6 – 8 trứng trưởng thành), khả năng tạo được nhiều phôi chất lượng cao sẽ tăng đáng kể, từ đó nâng cao tỷ lệ mang thai.

Tối ưu chi phí
Người bệnh chỉ cần trả chi phí tạo phôi một lần sau khi đã gom đủ trứng, thay vì tạo phôi ở từng chu kỳ nhỏ. Quá trình điều trị trở nên tập trung và gọn hơn, giúp giảm bớt căng thẳng và thời gian chờ đợi kết quả lặp lại.
Bảo tồn khả năng sinh sản tương lai
Gom trứng làm IVF giúp tích lũy trứng cho những phụ nữ muốn trữ trứng trước khi khả năng sinh sản suy giảm, hoặc hoãn sinh con vì lý do cá nhân hay y tế.
Nhược điểm của kỹ thuật gom trứng làm IVF
Thời gian điều trị kéo dài
Người bệnh cần thực hiện nhiều chu kỳ kích thích và chọc hút trứng, nên tổng thời gian gom trứng sẽ lâu hơn một chu kỳ IVF thông thường.

Tác dụng phụ
Việc dùng thuốc kích thích có thể gây một số khó chịu như mệt mỏi, đầy bụng, thay đổi cảm xúc.
Những lưu ý khi thực hiện gom trứng làm IVF
Gom trứng làm IVF là một hành trình không hề ngắn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và người bệnh.Để tối ưu hóa kết quả điều trị, các cặp vợ chồng nên lưu ý một số điều quan trọng sau:
Chuẩn bị tinh thần vững vàng
Gom trứng là quá trình đòi hỏi kiên nhẫn và sự bền bỉ. Có thể bạn sẽ trải qua 2–3 chu kỳ kích thích mới gom đủ trứng để tạo phôi. Hãy giữ vững tâm lý và tin tưởng vào bác sĩ đồng hành cùng mình!
Duy trì lối sống lành mạnh

Một cơ thể khỏe mạnh sẽ hỗ trợ tốt hơn cho quá trình gom trứng:
- Ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu kẽm, sắt,..
- Ngủ đủ giấc, vận động nhẹ nhàng và tránh các chất kích thích như rượu, thuốc lá.
Chuẩn bị tài chính hợp lý
Gom trứng là kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi nhiều chu kỳ điều trị. Chi phí không nhỏ, nhưng đổi lại là một cơ hội lớn. Lập kế hoạch tài chính từ sớm sẽ giúp bạn chủ động và yên tâm hơn trong suốt hành trình.
Gom trứng làm IVF là một lựa chọn quan trọng, đặc biệt với những phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp, đáp ứng kém với kích thích hoặc đang đối mặt với suy buồng trứng sớm. Để biết chính xác mình có phù hợp với kỹ thuật gom trứng hay không, hãy lắng nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Bệnh Viện Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học Sài Gòn sẵn sàng đồng hành, giúp bạn vững vàng hơn trên hành trình chờ con.
Nguồn tham khảo:
- Instituto Bernabeu. (2020, July 7). Accumulation of oocytes in patients with a low response. Instituto Bernabeu – Clínicas de Reproducción Asistida.
- IGIN. (2025, February 14). Oocyte Accumulation. IGIN.
- Vida Fertility. (2024, January 15). Testimonial of a single mother: “Vida Fertility is part of our story.” Vida Fertility.